Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi”

Những tháng qua, làn sóng trả mặt bằng đang lan rộng ra khu vực ven Tp.HCM. Rất nhiều mặt bằng tại quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè… treo biển sang nhượng, cho thuê sau khoảng thời gian ngắn hoạt động.

Kinh doanh ế ẩm, thuê 7-8 triệu đồng/tháng cũng khó trụ

Dạo quanh một vòng tại khu vực quận 9 cho thấy, khá nhiều mặt bằng tại tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt – các khu vực kinh doanh sầm uất của khu vực này treo biển cho thuê hoặc sang nhượng quán.

Chúng tôi chạy dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh dài gần 10km nối quận 9 và quận 2 (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đếm được khoảng hơn 30 mặt bằng treo biển cho thuê hoặc sang nhượng. Đáng nói, đây vốn là tuyến đường trước đến nay rất ít có tình trạng trống mặt bằng. Với giá thuê từ 8-30 triệu đồng/tháng (tuỳ vào từng mặt bằng), khu vực này vốn là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất. Hiện, nhiều mặt bằng có giá thuê từ 8-10 triệu đồng/m2 cũng trả và treo biển thuê.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 1.

Các mặt bằng trống trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9. Ảnh: Hạ Vy

Tình trạng thuê và sửa chữa mặt bằng, sau đó buôn bán không được lại trả lại diễn ra khá nhiều tại khu vực này. Hầu hết các mặt bằng kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh đều lâu đời, xuống cấp.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 2.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 3.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 4.

Chạy dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hơn 10km đếm qua có khoảng hơn 30 mặt bằng treo biển cho thuê hoặc sang nhượng. Ảnh: Hạ Vy

Chạy xe ngược lại vào tuyến đường Lã Xuân Oai, Lò Lu (quận 9), tình trạng cũng không khá khẩm hơn. Là tuyến đường nhánh của Nguyễn Duy Trinh, nối sang tuyến Lê Văn Việt, và gần với khu công nghệ cao quận 9, các tuyến đường này này vốn là nơi tập trung buôn bán mặt hàng ăn uống, quần áo… phục vụ nhu cầu đối tượng công nhân, người dân khu vực. Tuy nhiên, đến các mặt bằng thuê để buôn bán đồ ăn, thức uống cũng phải trả do kinh doanh ế ẩm. Vốn các mặt bằng liên quan đến các lĩnh vực như thời trang, điện tử,… trả mặt bằng thì hiện nay các mặt hàng phục vụ ăn uống hàng ngày cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 5.

“Mặt bằng thuê 7 triệu mỗi tháng, tôi cũng khó kham nổi”, một cô bán quán cơm tại đường Lò Lu, quận 9 chia sẻ. Mặt bằng diện tích gần 30m2 được cô thuê đầu năm 2022 để bán đồ ăn, tuy nhiên mấy tháng nay lượng khách không ổn định khiến cô có ý định trả mặt bằng hoặc sang nhượng lại.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 6.

Tại đường Lã Xuân Oai, nhiều mặt bằng giá thuê 7-8 triệu đồng cũng liên tục treo biển cho thuê. Ảnh: Hạ Vy

Tại đường nhánh thuộc khu đô thị Đông Tăng Long, một số mặt bằng cho thuê 7-8 triệu đồng/tháng cũng rơi vào tình trạng cho thuê rồi trả. Do kinh doanh gặp khó khăn, chủ quán thay vì cầm cự đã quyết định trả lại mặt bằng vì các chi phí vẫn phải trả cố định hàng tháng, trong khi kinh doanh bị sụt giảm.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 7.

Có một số mặt bằng tại quận 9 trong tình trạng cũ kỹ, trống lâu ngày không có người thuê. Ảnh: Hạ Vy

Dạo quanh các tuyến đường này trong phạm vi 4-5km có khoảng hơn 10 mặt bằng treo biển cho thuê. Trong đó có một số mặt bằng đã rơi vào tình trạng trống lâu ngày, cũ kỹ, không có người hỏi thuê.

Tình trạng trả mặt bằng cho thuê tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh (Tp.HCM) cũng tăng so với giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022. Một số mặt bằng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, kéo dài từ quận 7 qua huyện Nhà Bè, có giá thuê từ 8-25 triệu đồng/tháng (tuỳ mặt bằng), liên tục treo biển tìm khách thuê. Một số mặt bằng cho thuê khoảng 3-4 tháng, người thuê lại trả lại và tiếp tục đăng rao thuê.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 8.

Tại đường Lò Lu, các mặt bằng trống lâu ngày vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: Hạ Vy

Một chủ nhà có mặt bằng thuê trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè cho biết, nếu khách thiện chí vào thuê sớm sẽ giảm 1 triệu đồng/tháng so với giá chào thuê. Được biết, mặt bằng gần 90m2 này trước đó cho một người thuê mở quán chay. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được vài tháng, người thuê trả. Đến nay, dù rao thuê hơn 2 tháng, vẫn chưa có khách mới vào thuê. Với mức thuê 12 triệu đồng/tháng, chủ nhà chia sẻ cần tìm khách thuê lâu dài.

Trong báo cáo mới nhất của Chợ Tốt Nhà đã chỉ ra, nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán và cho thuê đều suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, chỉ số tìm kiếm bất động sản bán giảm từ 89 điểm trong quý 2/2022 xuống 61 điểm trong quý 4/2022 (giảm 31%). Chỉ số tìm kiếm bất động sản cho thuê giảm từ 90 điểm trong quý 2/2022 xuống 84 điểm trong quý 4/2022.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 9.

Tại Nhà Bè, tình trạng trả mặt bằng cũng tăng so với cuối năm 2022.

Khảo sát cho thấy, tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả khiến làn sóng trả mặt bằng diễn ra mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Trước đây, việc trả mặt bằng chủ yếu diễn ra ở khu trung tâm Tp.HCM thì hiện nay lan rộng ra khu vực ven. Các mặt bằng kinh doanh dù giá thuê không cao, nhưng vì buôn bán ế ẩm khiến chủ quán khó cầm cự. Trong đó, các hoạt động kinh doanh gần các khu công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh do làn sóng mất việc, công nhân về quê diễn ra nhiều trong thời gian qua. Nhiều chủ quán hàng không có lượng khách đã quyết định đóng cửa.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 10.

Tại khu đô thị Đông Tăng Long, một số mặt bằng cho thuê giá 7-15 triệu đồng/tháng cũng liên tục bị trả lại hoặc sang nhượng mặt bằng. Ảnh: Hạ Vy

Gần đây, các môi giới cho thuê liên tục đăng tải thông tin cho thuê mặt bằng hoặc sang nhượng quán trên trang cá nhân. Trong đó, khá nhiều mặt bằng là kinh doanh quán cà phê hoặc quán ăn. Điều này cho thấy, làn sóng trả hoặc sang mặt bằng diễn ra ngày càng mạnh. Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng gần như tất cả các ngành nghề hoạt động.

Làn sóng trả mặt bằng tại Tp.HCM: “Kinh doanh ế ẩm, giá thuê 7 triệu mỗi tháng tôi cũng khó kham nổi” - Ảnh 11.

Một số mặt hàng ăn uống, nhiều người tận dụng bán bằng xe để tiết kiệm chi phí mặt bằng. Ảnh: Hạ Vy

Theo một môi giới cho thuê tại Tp.Thủ Đức, nguồn hàng gửi sang nhượng hoặc chào thuê khá nhiều nhưng lượng khách quan tâm khiêm tốn. Nếu trước đây, tại một số tuyến đường buôn bán sầm uất, có mặt bằng trả ra là có khách mới vào thuê ngay nhưng hiện nay nhiều khách thuê dù có nhu cầu nhưng tìm hiểu về giá thuê, số tiền cọc và thời gian kí hợp đồng rất kỹ.