Thời gian gần đây, không riêng gì những thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Tp.HCM, Đà Nẵng,...có thị trường BĐS phát triển, mà xu hướng đầu tư vào các dự án BĐS nghìn tỷ còn đang diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố nhiều tiềm năng trên khắp cả nước.
Theo CBRE, mỗi năm thị trường BĐS cần khoảng 800 nghìn chỗ ở mới từ nay đến 2022. Xu hướng mua nhà trả góp của thế hệ các gia đình trẻ cũng ngày càng phổ biến.
Các dự án mới có xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoại ô và các thành phố vệ tinh ven Hà Nội và Tp.HCM do quỹ đất trong khu trung tâm khan hiếm và kỳ vọng vào sự phát triển của hệ thống hạ tầng cùng các phương tiện giao thông công cộng. Dự báo của đơn vị này cho thấy 3 năm tới giá BĐS sẽ vẫn ở chu kỳ tăng nhẹ từ 1-5%.
Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển về các tỉnh lẻ đầu tư BĐS của các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cũng đang hình thành rõ nét. Nhiều tỉnh đã có sự xuất hiện của Vingroup, Sungroup, FLC, Novaland, Văn Phú, Him Lam, Hưng Thịnh, CEO Group, Bim Group, Hải Phát,…
Những tháng đầu năm 2020, các tỉnh vẫn đang rầm rộ chuẩn bị kế hoạch đấu thầu, quy hoạch để mời chào các nhà đầu tư. Trong đó, ở phía Bắc có Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình…khu vực phía Nam có Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai…
Chẳng hạn Bình Thuận vừa phê duyệt quy hoạch một khu nghỉ dưỡng 88ha tại TP Phan Thiết, chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư; Hay cũng tại đây, Novaland đang triển khai siêu dự án NovaWorld Phan Thiết quy mô lên tới 1000ha, các hạng mục hạ tầng đang được tập đoàn này xây dựng rầm rộ.
Siêu dự án NovaWorld Phan Thiết của Tập đoàn Novaland đang triển khai đầu tư mạnh hạ tầng
3 dự án hơn 3.000 tỷ đồng ở Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình đã đưa 3 dự án khu đô thị vào danh mục đầu tư có sử dụng đất năm 2020, gồm: Khu đô thị Hadaland Bảo Ninh Green City tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (26ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ); Khu nhà ở Đồng Hới 5,8ha có tổng mức đầu tư 800 tỷ; Tổ hợp chung cư Eurowindow Grand City tại Đồng Phú có quy mô 15.000m2, tổng mức đầu tư 440 tỷ.
Đặc biệt là tại Thái Bình, tại cuộc họp của Ban Thường vị Tỉnh ủy tỉnh này cũng đã thông tin về một siêu dự án du lịch có casino tại Cồn Vành - Cồn Thủ có tổng diện tích 3.444,8 ha; Còn ở Thanh Hóa cũng vừa mời thầu các nhà đầu tư dự án khu đô thị Hoằng Hóa có quy mô 176ha tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ.
Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình,...cũng đang mời thầu nhiều dự án BĐS có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như dự án khu đô thị gần 42ha tại Xuân Thắng, Tp Lào Cai có tổng mức đầu tư 1.311 tỷ. Đồng thời Lào Cai cũng vừa đưa dự án 27ha thuộc phường Bắc Lệnh và phường Pom Hán vào kế hoạch đầu tư năm 2020 với tổng chi phí thực hiện 1.003 tỷ.
Yên Bái mời gọi đầu tư 2 dự án gần 1.500 tỷ đồng: Dự án có diện tích sử dụng đất 3,57ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 255 tỷ đồng. Tỉnh này cũng quyết định danh mục đầu tư dự án 49,42ha chi phí đầu tư sơ bộ (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) hơn 1.259 tỷ đồng.
Tỉnh Hòa Bình cũng vừa công bố danh mục đầu tư dự án có sử dụng đất đợt 2 năm 2020, trong đó có kế hoạch đầu tư kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam, xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình, quy mô 65ha, tổng mức đầu tư 541 tỷ đồng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới đánh giá đất nền dự án là một sản phẩm chủ đạo tại các địa phương ngoài Hà Nội và Tp.HCM. Đây là loại BĐS luôn được giới đầu tư quan tâm bởi giá thấp hơn nhiều so với nhà phố. Tuy nhiên, theo ông Đính không phải địa phương nào cũng sẽ có giao dịch tốt sau dịch, chỉ những địa phương có đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ hiện đại thì mới thúc đẩy được tăng trưởng giao dịch và ngược lại.
Còn với bất động sản du lịch cũng đang là làn sóng đầu tư vào các địa phường giàu tiềm năng cũng sẽ hoạt động trở lại bình thường vào quý 3 hoặc quý 4 rồi hoạt động bình thường trở lại, bởi phân khúc này vẫn rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư do du lịch sẽ ngày càng phát triển, và được dự báo sẽ là ngành hồi phục đầu tiên và nhanh nhất sau dịch bệnh.