Lấn biển xây dựng khu thương mại tự do: Động lực kép giúp Đà Nẵng tăng tốc bứt phá

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Nguyên trưởng khoa tài chính quốc tế - Học viện tài chính, việc lấn biển để xây khu thương mại tự do (TMTD) kết hợp cùng cảng nước sâu sẽ phát huy được lợi thế của Đà Nẵng để phát triển kinh tế biển. Khi khu TMTD hình thành sẽ tạo ra một khu kinh tế tập trung, kết hợp với logistics sẽ là động lực để Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ thành trung tâm kinh tế của khu vực.
Lấn biển xây dựng khu thương mại tự do: Động lực kép giúp Đà Nẵng tăng tốc bứt phá

Đầu tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành. Đây là một trong những vị trí được xem xét để xây dựng khu TMTD.

Theo Thủ tướng, thí điểm thành lập Khu TMTD là việc làm mới, khó nhưng khó mấy cũng phải làm và Đà Nẵng phải mạnh dạn, tự tin để làm. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Đà Nẵng mà các bộ ngành Trung ương sẽ chung tay góp sức để TP hiện thực hóa Khu TMTD nói riêng, triển khai thành công Nghị quyết 136/2024 nói chung. Thủ tướng đồng ý về chủ trương Đà Nẵng cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng TP chủ trì chịu trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng Dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư hạ tầng ven biển.

Liên quan đến chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển của Đà Nẵng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Nguyên trưởng khoa tài chính quốc tế - Học viện tài chính.

Dự án lấn biển của Đà Nẵng nên được đầu tư bài bản, quy mô, đa chức năng

Thưa ông, Dự án lấn biển để xây dựng khu TMTD sẽ tạo động lực thế nào cho sự phát triển của Đà Nẵng trong trung và dài hạn?

Đà Nẵng là một trong những khu vực phát triển của vùng Trung Bộ, đây là cửa ngõ Miền Trung Tây Nguyên. Khu TMTD là cơ hội cho sự phát triển kinh tế Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung Tây Nguyên nói chung bứt phá.

Tại Đà Nẵng, một trong những khu vực được đề xuất lấn biển để xây dựng khu TMTD có vị trí dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng - đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Đây là khu vực gần càng biển Liên Chiểu - một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam.

Việc lấn biển để xây khu TMTD kết hợp cùng cảng nước sâu sẽ phát huy được lợi thế của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế biển. Khi khu TMTD hình thành sẽ tạo ra một khu kinh tế tập trung, kết hợp với logistic sẽ là động lực để Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ thành trung tâm kinh tế của khu vực.

Bên cạnh khu thương mại tự do, việc tạo nên một khu vực lấn biển quy mô, tầm cỡ phục vụ phát triển đa chức năng theo ông sẽ giúp phát triển kinh tế Đà Nẵng thế nào?

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng là rất lớn. Đà Nẵng có cảng nước sâu, cửa khẩu cảng Đà Nẵng, có thế mạnh về phát triển du lịch lẫn công nghiệp, tài chính. Hiện nay, sự phát triển của Đà Nẵng chưa là gì so với tiềm năng của thành phố này.

Bên cạnh khu thương mại tự do, nếu Đà Nẵng nghiên cứu phát triển được các trung tâm tài chính, cụm kinh tế số, các dự án du lịch biểu tượng, đẳng cấp… sẽ là bàn đạp để thành phố vươn tầm quốc tế, tạo giá trị kinh tế lớn. Như vậy, dự án lấn biển của Đà Nẵng nên được đầu tư bài bản, quy mô, đa chức năng, để cùng với khu TMTD tạo động lực kép cho kinh tế Đà Nẵng bứt phá, mang lại lợi ích cho người dân.

Lấn biển để có thêm quỹ đất, không gian phát triển và cơ hội việc làm

Như vậy có phải khi dự án lấn biển thành công, thì người dân và thành phố sẽ hưởng lợi đầu tiên?

Đà Nẵng có vị trí chiến lược, nhưng kinh tế phụ thuộc du lịch - dịch vụ. Hiện quỹ đất Đà Nẵng cũng gần như không còn để mở rộng dư địa phát triển, trong khi yêu cầu của Trung Ương đặt ra đối với sự phát triển của Đà Nẵng là rất lớn. Việc lấn biển sẽ giúp Đà Nẵng tạo thêm quỹ đất mới, không gian phát triển mới để phát huy được hết tiềm năng. Chúng ta hình dung khi cảng biển Liên Chiểu hoàn thành, khu TMTD, trung tâm tài chính, hệ thống dịch vụ chất lượng cao, các công trình đẳng cấp được thiết lập tại vịnh Đà Nẵng, thì cả khu vực này sẽ như một thương cảng tầm cỡ quốc tế. Khi đó, không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao trình độ cho các người lao động, mà còn tạo động lực phát triển mới giúp thành phố biển vươn dậy.

Nhắc đến các dự án lấn biển đa chức năng phục vụ nhu cầu phát triển thương mại dịch vụ, trung tâm tài chính, logistics, dịch vụ, thương mại, nghỉ dưỡng… các nước trên thế giới đã triển khai thế nào và thực trạng ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

Trên thế giới việc lấn biển có từ rất lâu và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nhà nước. Điển hình như Singapore đến nay 1/4 diện tích nhờ lấn biển mà có. Hay Dubai (UAE), nhiều khu đô thị rộng mênh mông được xây hoàn toàn trên biển. Malaysia cũng có rất nhiều thành phố được xây dựng hoàn toàn trên biển. Ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng liên tục lấn biển để có thêm không gian phát triển.

Đừng nhầm lẫn lấn biển chỉ vì thiếu nơi ở, “đất chật người đông” hay ứng phó với biển đổi khí hậu, lấn biển ngày nay là chiến lược kinh tế của các nước.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương đã và đang thực hiện chính sách lấn biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Đã có những thành công rực rỡ, tạo bước ngoặt cho kinh tế, điển hình như TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Hiện hoạt động lấn biển đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, trong quy hoạch các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục công bố hàng loạt dự án lấn biển quy mô như TPHCM với dự án lấn biển ở Cần Giờ, hay tỉnh Bến Tre sẽ mở rộng ra hướng biển 50.000 ha (500 km2)…

Ông có cho rằng lấn biển để mở mang dư địa phát triển là hướng đi tất yếu của những quốc gia có thế mạnh về tài nguyên biển?

Thực tế, việc có sẵn quỹ đất bằng phẳng để phát triển là tốt nhất. Tuy nhiên, khi không gian phát triển bị thu hẹp thì việc lấn biển để có thêm quỹ đất mới sẽ tạo ra cơ hội phát triển mới. Vì vậy, trong xu thế phát triển đi lên, có nhu cầu thì phải lấn biển để có thêm quỹ đất, thêm không gian du lịch giải trí, cơ hội việc làm. Và tất nhiên những quốc gia có thế mạnh về tài nguyên biển như Việt Nam thì càng thuận lợi.

Thực tế, một số dự án lấn biển cả chục năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Để thành công tạo ra các khu lấn biển quy mô lớn, tầm cỡ và hiệu quả, theo ông điều gì là yếu tố tiên quyết?

Tôi cho rằng, để thành công cần phải có quyết tâm từ Trung ương, chính quyền địa phương cho đến nhân dân. Một dự án lấn biển yêu cầu rất nhiều yếu tố từ pháp lý, quy hoạch cho đến nguồn vốn. Nhiều dự án lấn biển dở dang do pháp lý, do chủ đầu tư năng lực yếu kém, thiếu vốn. Nhiều dự án có đủ các yếu tố về con người nhưng thiếu cơ sở khoa học, ví dụ lấn biển ở những khu vực nước siết cũng khó có thể thành công.

Bên cạnh đó, đầu tư bài bản cho dự án lấn biển, cần có nghiên cứu tầm quốc tế, sau đó tìm được những nhà đầu tư đủ năng lực, tránh trường hợp giao dự án lấn biển cho các chủ đầu tư không đủ tiềm lực dẫn đến dự án treo thời gian dài, lãng phí tài nguyên và không mang lại hiệu quả KT-XH.

Vì vậy, có thể nói việc lấn biển đòi hỏi phải có quyết tâm. Đã làm phải làm những dự án đa chức năng, quy mô lớn.

Xin cảm ơn ông!