Mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại hiện đã bắt đầu xuống thấp kỷ lục. Nhiều nhà băng đã giảm lãi suất huy động quanh mức 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất huy động giảm mạnh đã khiến không ít kỳ vọng dòng tiền trong dân cư sẽ đổ vào bất động sản, một kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy, dòng tiền chưa thực sự trở lại với thị trường bất động sản. Một thống kê Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III/2023, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Nhưng dư nợ tín dụng chi tiêu cho mua bất động sản lại giảm gần 2%.
Trong toạ đàm diễn ra ở TP.HCM mới đây, ông Alex Phạm, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Tài chính Bất động sản Tulip (FINA) cho rằng, tâm lý người dân vẫn tin rằng gửi tiền vào tiết kiệm ở ngân hàng là an toàn nhất so với đầu tư bất động sản.
Trước câu hỏi làm thế nào để người dân có thể yên tâm rút tiền từ ngân hàng để mua bất động sản, vị này nhấn mạnh, điều này còn phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư. Theo ông Alex Phạm, tâm lý quyết định phần lớn đến nhu cầu giao dịch của người dân, do đó đòi hỏi thị trường cần cung cấp thêm những sản phẩm chất lượng thật, đáp ứng đúng nhu cầu thật, nếu là bất động sản cho thuê thì phải có vị trí tốt và có thể giúp nhà đầu tư khai thác dòng tiền cho thuê hiệu quả ngay tức thì.
Một yếu tố khác đó là tính pháp lý, độ an toàn của sản phẩm khi đầu tư vào bất động sản khiến người mua không an tâm xuống tiền. Những dự án đã có sẵn sản phẩm, đảm bảo về tỷ suất lợi nhuận cho thuê sẽ dần kéo về được dòng tiền cho thị trường.
Còn ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định, lãi giảm sâu rồi nhưng người dân vẫn không rút tiền khỏi ngân hàng. Theo ông Tuấn, trước đây, thị trường không lan tỏa như bây giờ, nhưng hiện nay thông tin quá nhanh nhạy đã ảnh hưởng tâm lý của người mua. Chỉ cần 1 tin rao cắt lỗ thì mọi người có thể chụp lại và chia sẻ ở rất nhiều nơi tạo nên tâm lý hoang mang, e ngại. Do đó, người dân thà chấp nhận gửi tiền ở ngân hàng hưởng lãi suất vài phần trăm, còn hơn đầu tư vào bất động sản.
Ông Tuấn đưa ra thông tin khá thú vị, đó là thông tin cắt lỗ giảm dần sau tháng 8, trước là 1,4%, giờ chỉ còn 0,8 thôi. Nếu quý 2 lượng tin cắt lỗ tăng 34%, quý 3 là 22% và giờ quý 4 lượng tin cắt lỗ giảm về lại còn 10%. Tuy nhiên, vì tâm lý săn hàng cắt lỗ sâu nên chỉ cần 1 tin được đăng lên thì lượng xem cao nhất, gấp 5 - 6 lần so với bình thường. Cứ thấy tin rao cắt lỗ 30-40% thì họ sẽ đăng khắp nơi.