Ngày 24/12, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phối hợp với Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Phân khúc nào phù hợp?” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND TP.HCM và các Sở ban ngành liên quan, các chuyên gia về kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, trong hơn 2 năm trở lại đây, thị trường BĐS TP.HCM đang diễn ra thực trạng lệch pha cung - cầu ở phân khúc nhà ở. Xu hướng phát triển sản phẩm cao cấp lấn át loại hình nhà ở bình dân khiến giá trung bình của thị trường tăng mạnh. Tính riêng trong quý 3/2020, giá căn hộ tại TP.HCM tăng thêm từ 15-20% so với quý 2 trước đó. Ở phân khúc trung cấp, nếu so với quý 4/2018 thì trong năm 2020 giá nhà đã tăng 1,43 lần, thậm chí, tại một số dự án giá tăng gấp gần 2 lần. Trong khoảng thời gian ngắn mặt bằng giá mới tại TP.HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành cao cấp.
Theo ông Hà, điều bất cập ở đây là sự thay đổi nguồn cung các phân khúc chủ yếu là do giá bán thay đổi chứ không phải dựa trên việc gia tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của BĐS và dễ khiến thị trường xuất hiện tình trạng bong bóng BĐS, thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính.
Bàn về giải pháp kéo giãn giá nhà, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, để thị trường phát triển bền vững, các doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ vào quá trình xây dựng để giảm giá nhà. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, đặc biệt là góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình. Tuy nhiên ông Sơn cũng nhấn mạnh, hiện nay việc áp dụng công nghệ và vật liệu mới còn gặp rào cản đến từ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức dự toán công trình còn thiếu, chưa đồng bộ nên gây khó khăn cho việc đưa vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đưa ra giải pháp về vấn đề liên quan đến tài chính, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho biết, Việt Nam nên quan tâm đến động lực cho nguồn cung và quan tâm đến nhà cho thuê chứ không chỉ bán. Hơn nữa, cần phải đưa chương trình phát triển nhà ở thương mại giá rẻ vào trong chiến lược phát triển dài hạn. Gói vay 30.000 tỷ trước đó là kết hợp kích cầu với trợ cấp nhà ở xã hội chứ không chỉ riêng để phát triển nhà ở xã hội. Đã đến lúc cần có chiến lược, mục tiêu, công cụ thể phát triển nhà ở trong dài hạn chứ không phải thời vụ.
Mặt khác, thành phố bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội cho thuê đối với các đối tượng đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng chi trả thuê, thuê mua nhà ở xã hội ngoài ngân sách. Tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê; từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các huyện ngoại thành để tạo lập quỹ đất và thu hút đầu tư phát triển dự án nhà ở; ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, phát triển nhà ở và dịch vụ đô thị; ứng dụng công nghệ xây dựng tiến tiến và sử dụng vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường nhằm tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, PGĐ Sở Xây dựng TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết báo cáo về kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, để phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, thành phố sẽ chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại; Khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội; Tập trung phát triển loại hình nhà cao tầng tại khu vực phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) và khu Nam (gồm quận 7, quận Bình Tân, và Nhà Bè) trong 5 năm tới đây.
Phương Uyên