Lãi suất hạ nhiệt, người mua nhà vẫn “đứng ngồi không yên”

Thời gian qua lãi suất tăng cao khiến nhiều người mua nhà gặp phải áp lực tài chính. Đến nay, tuy lãi suất đã “hạ nhiệt” nhưng người mua nhà vẫn “đứng ngồi không yên”.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm, trong đó có bất động sản. Tại ngân hàng Agribank, khoản vay với mục đích kinh doanh bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Thời gian thực hiện điều chỉnh tối đa đến cuối năm nay và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Ngân hàng BIDV đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt,... cũng đưa ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2% so với lãi suất thông thường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và nằm trong xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022, hiện có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Từ ngày 6/3/2023, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Dù các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất, song những người mua nhà vẫn đang “đứng ngồi không yên”. Đơn cử, anh Quang Anh (Nam Định) cho biết, gia đình anh tích cóp 5 năm có 700 triệu đồng và được hai bên gia đình hỗ trợ được 500 triệu đồng để mua nhà. Có 1,2 tỷ đồng trong tay, đầu năm 2022, vợ chồng anh Quang Anh quyết định vay thêm 1,3 tỷ đồng để mua căn hộ rộng 58m2 có 2 phòng ngủ tại một dự án trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Lãi suất hạ nhiệt, người mua nhà vẫn “đứng ngồi không yên” - Ảnh 1.

“Năm đầu tiên mua chúng tôi được ân hạn lãi suất. Khi đó, hai vợ chồng cũng tính toán đến khi lãi suất thả nổi sẽ rơi vào quanh mức 9%/năm. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái lãi suất liên tục tăng cao, điều này ngoài dự tính của tôi. Đến nay đã hết ân hạn lãi suất gia đình tôi phải tới 13,4%/năm. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 30 triệu đồng/tháng. Trong khi đó mỗi tháng phải trả hơn 20 triệu đồng cả gốc và lãi nên gia đình gặp khó khăn về tài chính”, anh Quang Anh nói.

Đang trả góp khoản vay mua nhà 1 tỷ đồng từ năm 2019, anh Tú (Hà Đông) cho biết, trước kia mỗi tháng gia đình anh phải trả 15 triệu đồng/tháng. Song đến nay con số này đã lên tới 20 triệu đồng/tháng.

Éo le thay, đầu năm nay công ty anh Tú làm việc gặp khó khăn nên giảm lương 30%/tháng. “Nếu không bị giảm lương gia đình tôi vẫn có thể trả khoản đều ngân hàng mỗi tháng. Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi cũng gặp phải khó khăn”, người này nói.

Thực tế, lãi suất neo cao khiến áp lực tài chính không chỉ đến với người mua nhà mà cả doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, nhiều người có nhu cầu mua nhà cũng không dám xuống tiền lúc này. Thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, để hạ thấp lãi suất cần có lộ trình và thời gian.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay bất động sản trong mọi trường hợp rất khó thấp hơn so với lãi suất chung của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng chung năm 2023 sẽ rất khả thi, có thể thực hiện được đó là lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm.

Còn TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: “Muốn kéo giảm lãi suất xuống 8 - 9%/năm cũng phải có lộ trình từ từ. Trong khi đó, NHNN vẫn luôn muốn người dân nhận lãi suất dương, tức mức lãi gửi ngân hàng luôn cao hơn mức kỳ vọng lạm phát tại Việt Nam. Ví dụ lạm phát ở mức 4,5 - 5% thì lãi suất tiền gửi cũng phải ở mức 6 - 7%/năm. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay có nhiều khả năng để giảm nhẹ lãi suất.