Năm 2022 là một năm có nhiều biến động, trạng thái chuyển động thị trường nóng lạnh bất thường. Cụ thể, ngay đầu quý 1, bất động sản (BĐS) đột ngột tăng trưởng mạnh nhưng đến quý 2 bắt đầu có dấu hiệu chững lại và sang quý 3 gần như dừng chuyển động. Số lượng giao dịch chỉ chiếm khoảng 5% so với quý 1 và chủ yếu là khách có nhu cầu thực hoặc sản phẩm bán cắt lỗ quá sâu mới có thể hấp dẫn các nhà đầu cơ.
Ông Nguyễn Quang Văn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng
3 yếu tố tác động tới thị trường
Có nhiều yếu tố tác động tới thị trường, trong đó có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, thị trường bị "siết" dòng tiền, hết room tín dụng dành cho BĐS dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn cho khách mua cũng như chủ đầu tư. Với tình hình dòng tiền bị hạn chế như hiện nay thì các dự án dù có chính sách ưu đãi hấp dẫn cũng rất khó bán hàng. Bởi hầu hết các dự án đều gắn với chương trình hỗ trợ cho vay.
Thực tế, từ trước tới nay, khách hàng đầu tư BĐS dùng "đòn bẩy" tín dụng chiếm tỷ lệ tới 80% thậm chí còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, khi "sợi dây’ gắn kết giữa khách hàng và chủ đầu tư bị cắt đứt thì việc thị trường ảm đạm là điều tất yếu.
Thứ hai, khi Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai đã tạo ra tâm lý chờ đợi, "nghe ngóng" xem luật mới ảnh hưởng tới việc đầu tư hay không cũng là 1 lý do các nhà đầu tư giữ trạng thái dừng an toàn.
Thứ ba, sang giữa quý 3, trong khi thị trường đang ảm đạm thì chính sách lãi suất lại "bồi thêm" gói tăng lãi suất như một "cú đấm" tác động kép về tài chính khiến các nhà đầu tư càng thêm hoang mang. Việc tăng lãi suất đã tạo ra 1 làn sóng "tháo hàng" thoát thân. Đây là phản ứng tự nhiên của những người mang tính chất đầu cơ, "lướt sóng", tạo thành tâm lý đám đông.
Với tình hình này cũng rất khó dự báo chính xác vì tất cả đều phụ thuộc vào chính sách tài chính và dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Còn hiện tại, với chính sách lãi suất và tình hình room tín dụng siết chặt thì chắc chắn thị trường vẫn chìm sâu.
Bất động sản sẽ hồi phục
Thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Thời gian tới, với sự dịch chuyển của dòng vốn FDI cùng chính sách điều tiết của Chính phủ sẽ là động lực để BĐS bứt phá. Dù còn khó khăn nhưng BĐS sẽ dần ổn định trở lại khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỷ giá được điều tiết bình ổn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn, tung ra nhiều hoạt động kích cầu thị trường.
Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá còn dư địa tăng trưởng
Ở khía cạnh tích cực, nền kinh tế vẫn duy trì xu hướng phục hồi và tăng trưởng. Thời điểm năm 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi của BĐS trong trung và dài hạn. Thị trường được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố.
Năm 2023, nhiều kỳ vọng dòng vốn được "khơi thông" vì xem xét cả quá trình có thể thấy dòng vốn vào BĐS vẫn tăng trưởng qua các năm chứ không suy giảm. Khi những vướng mắc của thị trường bất động sản được tháo gỡ, chính sách luật đất đai đổi mới, hoàn thiện sẽ là "bàn đạp" cho BĐS bứt phá.
Thời gian tới, BĐS nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội được đánh giá là điểm sáng bởi còn nhiều dư địa tăng trưởng. Nhu cầu thực cảu các phân khúc này khá lớn. Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp lên tới gần 90% kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân, nhu cầu đầu tư hoặc nghỉ dưỡng của các chuyên gia nước ngoài. Nếu biết nắm bắt và chuẩn bị đầy đủ điều kiện đáp ứng được thì đây sẽ là "miếng bánh" hấp dẫn.