Kỳ lạ khi thị trường trầm lắng, người giàu vẫn mạnh tay mua biệt thự triệu đô, căn hộ chục tỷ

Sự trầm lắng của thị trường khiến lo ngại về dòng sản phẩm đắt đỏ như biệt thự, căn hộ hạng sang “bất động”. Thế nhưng, đi ngược với diễn biến khó thanh khoản của một số phân khúc, một số sản phẩm bất động sản giá đắt đỏ vẫn được giới nhà giàu mạnh tay chi trả.

Không cần phải mất quá nhiều thời gian chăm sóc khách hàng, chỉ chưa đầy 2 tuần, anh Mạnh đã “chốt” môi giới thành công một giao dịch căn biệt thự. Căn biệt thự này nằm tại Hoài Đức (Hà Nội) với mức giá hơn 22 tỷ đồng.

Theo anh Mạnh, vị khách hàng này tìm đến anh với yêu cầu: Chọn một căn biệt thự hướng Tây tứ trạch, đã hoàn thiện cơ bản và tầm tài chính khoảng 20-25 tỷ đồng, nằm khu vực Hoài Đức, Hà Đông.

Sau khi lọc rổ hàng, anh Mạnh tìm kiếm 4 căn biệt thự phù hợp với nhu cầu của khách hàng. “Vị khách của tôi có 1 tuần để đi xem 4 căn biệt thự. Đến tuần thứ hai, họ kiểm tra thêm về phong thuỷ. Và sau đó, họ chốt căn. Tiếp đến là bước đàm phán về giá. Hai bên chủ nhà và người mua gặp nhau một ngày. Chủ nhà bớt cho người mua 500 triệu đồng. Thống nhất mức giá giao dịch 22 tỷ đồng, hai bên chọn ngày công chứng chỉ sau 2 tuần. Giao dịch diễn ra nhanh, gọn".

Kỳ lạ khi thị trường trầm lắng, người giàu vẫn mạnh tay mua biệt thự triệu đô, căn hộ chục tỷ - Ảnh 1.

Người giàu sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ mua biệt thự. (Ảnh minh hoạ: Việt Khoa)

Cũng theo anh Mạnh, vị khách tìm mua biệt thự với nhu cầu để ở. “Thời điểm hiện tại, giá biệt thự đã hạ nhiều nên người mua dễ dàng lựa chọn và đàm phán một mức giá tốt. Trước đó, vào năm 2021, biệt thự khu vực Hoài Đức, Hà Đông tăng rất mạnh. Có thời điểm, chủ nhà rao bán giá hôm nay 27 tỷ, hôm sau đổi ý thành 28 tỷ. Vị khách của tôi đã từng tìm mua biệt thự nhưng giá cao. Thế nên, cận Tết, khi chọn được căn ưng ý, họ chốt ngay”.

Vị môi giới này cũng cho biết thêm: “Với người giàu, cách mua bất động sản cũng khác. Vì họ sẵn tiền nên thấy ưng sẽ chốt. Không phải vay ngân hàng nên người giàu quyết định rất nhanh, mua bất động sản như đi chợ”.

Anh Mạnh còn nói thêm: “Mọi người thường hay hỏi tại sao người giàu càng giàu? Vì cơ bản họ có tiền. Nên khi thị trường hạ, họ mua được rẻ. Và thậm chí khi thị trường lên, có thể họ mua đắt nhưng họ sẵn sàng để ở 5-10 năm mà không cần bán. Với khoảng thời gian dài như vậy, giá bất động sản đã thay đổi”.

Trong khi đó, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng cho biết, dù thị trường trầm lắng, những căn hộ hạng sang ở Hà Nội vẫn có giao dịch. Vị này tiết lộ, đội ngũ kinh doanh của công ty từng chốt 1 tuần 3 căn chung cư cao cấp tại Hà Nội. Mỗi căn chung cư cao cấp có mức giá lên tới 7-9 tỷ đồng. Ông Quyết nhấn mạnh: Những người có “tiền tươi” đang sở hữu nhiều lợi thế. Họ vừa được chủ đầu tư chiết khấu, vừa có thể lựa chọn căn hộ ưng ý.

“Đây thời điểm hợp lý để những người có sẵn tiền mua bất động sản”, ông Quyết khẳng định.

Khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường địa ốc cũng ghi nhận, tỷ lệ tiêu thụ ổn định ở phân khúc hạng sang và biệt thự triệu đô tại TP. HCM. Một số căn biệt thự ven sông thuộc khu đô thị Vạn Phúc City được mua đi - bán lại trên thị trường trong thời gian vừa qua. Mức giá cho mỗi căn dao động từ 80-170 tỷ đồng. Hay dự án hạng sang tại quận 4, TPHCM chào bán vào tháng 12/2022 cũng ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. Giá bình dân căn hộ khoảng gần 100 triệu đồng/m2

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc phụ trách thị trường TP.HCM cho hay, bất động sản hạng sang và siêu sang có nguồn cầu ổn định trong khi nguồn cung hạn chế. Đây là phân khúc có nhóm khách hàng ít phụ thuộc vào yếu tố tín dụng. Thế nên, sản phẩm bất động sản này vẫn có sức sống nhất định trong thời điểm thị trường trầm lắng. Phân khúc này cũng có thị phần riêng, định vị nhóm khách hàng riêng biệt với tầm tài chính mạnh và rất mạnh đồng thời ít chịu tác động từ tâm lý thị trường chung.

Chung nhận định, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản hạng sang là phân khúc ít chịu tác động của thị trường. Lý giải điều này, theo ông Kiệt, nguồn cung bất động sản hạng sang khá ít, có lượng khách hàng riêng, tác động từ ảnh hưởng siết room tín dụng không lớn. Vì số lượng nguồn cung khá hạn chế, quỹ đất phát triển khan hiếm nên giá bán loại hình này luôn duy trì tốc độ tăng từ 30-50%/năm và hầu như không giảm giá trong thời gian qua.