Nhiều nhà đầu tư “tay ngang” vẫn ôm "bom" đất làng quê

Muốn bán miếng đất hơn 600 triệu đồng từ khá lâu, đến nay anh C, ngụ huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vẫn chưa thể giao dịch vì hoạt động mua bán tắt hẳn từ giữa năm 2021 đến nay.

Được biết, mảnh đất này, anh C mua với giá 520 triệu đồng từ tháng 3/2021. Thời điểm này, đất đai tại Thanh Hoá đang nóng sốt. Mua vào giai đoạn đỉnh nhưng sau đó 2 tháng đất hạ nhiệt nhanh chóng khiến anh chưa kịp thoát hàng. Rao bán nhiều lần nhưng anh C vẫn chưa chốt được giao dịch. Dù vậy, nhà đầu tư “tay ngang” này vẫn không bán lỗ.

“Do dòng tiền bỏ vào không quá lớn nên vẫn cố giữ được. Thực tế, nếu có bán lỗ vốn thì cũng khó kiếm được người mua ở giai đoạn này. Hoạt động mua bán đất đai gần như tắt hẳn từ giữa năm 2021 đến nay”, anh C cho hay.

Tương tự, gia đình chị H, cũng ngụ tại Thanh Hoá hiện đang giữ 2 lô đất đầu tư, trong đó có một mảnh sử dụng vốn vay ngân hàng. Dù nhiều lần muốn bán ra nhưng không tìm được người mua.

Được biết, trong cơn sốt đất, chị H cùng chồng trở thành nhà đầu tư “tay ngang” lướt sóng thành công vài lô đất. Số tiền chênh hưởng lên đến nửa tỉ đồng trong thời gian ngắn. Hai mảnh đất hiện tại cũng là sản phẩm của hoạt động “lướt sóng” nhưng lại bị mắc kẹt đúng thời điểm nhà đầu tư các nơi rút khỏi cơn sốt đất Thanh Hoá đầu năm 2021. Hiện tại, 2 lô đất chị H rao bán chỉ chênh khoảng vài chục triệu so với giá mua vào, nhưng vẫn rất khó bán.

Nhiều nhà đầu tư “tay ngang” vẫn ôm bom đất làng quê - Ảnh 1.

Đáng nói, vị trí hai lô đất ở khu vực gần như không có nhiều tiềm năng tăng giá thực. Vì thế, để bán ra được thời điểm này không hề dễ dàng. Chị H cho biết, giờ chỉ có thể chờ đợt sóng tiếp theo hoặc có thể giữ lại làm tài sản lâu dài.

Còn nhớ, đầu năm 2021, đất đai Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Bắc Giang… bị xáo trộn bởi làn sóng đầu tư, đầu cơ. Giá đất biến động tăng chóng mặt. Nhiều người dân bỏ nghề nghiệp lao vào cơn sốt đất kiếm lợi. Khi đó, thị trường xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư “tay ngang” rẽ vào lĩnh vực bất động sản. Khi sốt đất đi qua, không ít trong số này giàu lên nhanh chóng nhưng cũng nhiều người “ôm bom”, lâm cảnh nợ nần.

Không chỉ các nhà đầu tư địa phương, nhiều nhà đầu tư đến từ khu vực phía Bắc cũng mất không ít tiền vào cơn sốt đất. Trong số đó, có những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm lâu năm với bất động sản. Đến giữa năm 2021 khi đất đai các địa phương hạ nhiệt cũng là lúc rất nhiều người bỏ cọc, hoặc chưa kịp thoát hàng, ôm bom. Nguồn hàng mua từ thời điểm đầu năm 2021, hiện vẫn còn sót lại khá nhiều tại các điểm nóng sốt. Tại Thanh Hoá, không ít nhà đầu tư vẫn ôm hàng chờ thị trường hoặc bán dưới giá vốn hoặc ngang giá.

Anh Thuận, một môi giới bất động sản tại Thanh Hoá chia sẻ, thời kì sốt đất, nhiều nhà đầu tư "tay ngang" nhảy vào thị trường. Có người kiếm hàng tỉ đồng nhờ sốt đất. Nhưng cũng có người vì tham mà ôm "bom". Hiện tại vẫn còn khá nhiều nguồn hàng mua vào từ thời điểm đó gửi bán lại nhưng giao dịch rất khó. Có chăng, ở những mảnh đất vị trí mặt tiền bán lại cho người có nhu cầu ở thực, mua đất xây nhà ở.

“Có vài trường hợp nhà đầu tư phía Bắc giao cho môi giới rằng, bán được bao nhiêu thì bán. Họ không còn quan tâm đến lời lãi, hay kì vọng đất lại sốt trở lại trong thời gian ngắn.Tuy nhiên, lúc này, việc giao dịch là không dễ”, anh Thuận cho hay.

Bài học về cơn sốt đất tại các địa phương đã được cảnh báo trước đó. Đa số những nền đất mua vào bán ra trong khoảng thời gian ngắn đều quay vòng qua tay các nhà đầu tư với nhau, không có nhu cầu ở thực. Vì thế, việc thổi giá cũng xuất phát từ một vài nhóm đầu tư, môi giới. Sau khi các nhóm đầu cơ rút khỏi thị trường, đất đai các khu vực cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Việc giảm giá, không có thanh khoản là điều dễ thấy. Nhiều nhà đầu tư ôm hàng, muốn bán cũng không được ở giai đoạn này.