Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay, hình thức tổ chức phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp vẫn tiếp tục tái diễn bất chấp quy định của cơ quan chức năng.

Tưởng rằng, vụ án Công ty địa ốc Alibaba tổ chức phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp là bài học cho doanh nghiệp, chính quyền trong kinh doanh, quản lý đất đai. Thế nhưng, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay, hình thức kinh doanh kiểu Alibaba vẫn tiếp tục tái diễn.

Nhan nhản dự án kiểu Alibaba

Sau khi Công ty địa ốc Alibaba tổ chức phân lô, bán nền trái phép bị xử lý theo quy định pháp luật, hiện tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu việc tổ chức phân lô, bán nền kiểu như Alibba vẫn len lỏi vào vùng nông thôn của huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Thị xã Phú Mỹ. Một số tổ chức, cá nhân tự làm hạ tầng, phân lô, công khai rao bán trên các trang mạng.

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 1.

Chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định, chủ đất đã rao bán đất nền với tên dự án Khu dân cư Phước Long Thọ.

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 2.

Chủ đất tự ý phân lô, bán nền dưới tên gọi dự án Khu dân cư Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ.



Cụ thể, vào cuối tháng 2/2020, UBND huyện Châu Đức giao công an tổ chức điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi quảng cáo dự án không đúng quy định tại dự án Khu dân cư Đá Bạc do Công ty TNHH Cali Green Park làm chủ đầu tư. Trên thực tế, dự án này được quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhưng chủ đầu tư đã phát tờ rơi rao bán rầm rộ các lô đất nền và cam kết trong vòng 8 tháng có sổ hồng.

Cách khu đất của Cali Green Park không xa cũng đã xuất hiện thêm trường hợp tương tự. Chủ đất tự phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp với tên gọi Khu dân cư Châu Đức Green Pearl với quy mô 8 ha do Công ty Active Real làm chủ đầu tư. Làm việc với chính quyền huyện Châu Đức, đại diện chủ đầu tư là ông Vũ Văn Huy không cung cấp được bất cứ loại giấy tờ liên quan đến dự án “Châu Đức Green Pearl”.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, dự án Khu dân cư Đá Bạc đến nay vẫn chưa có thủ tục xây dựng hạ tầng. Còn tại khu đất có tên gọi dự án Khu dân cư Châu Đức Green Pearl thì chủ đất tổ chức dựng rạp, rao bán… chính quyền địa phương đã nắm thông tin tổ chức ngăn chặn, xử lý. Khu đất này chưa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư.

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 3.

Chủ lô đất tại xã Đá Bạc huyện Châu Đức tự ý làm đường, phân lô rao bán.


"Chỗ đó không có xin dự án gì mà cơ quan chức năng cũng chưa cấp phép, nhưng chủ đất dùng cơ giới tiến hành làm đường giống như đường dự án. Trước đây tại khu đất này chủ đất tổ chức làm rạp định mở bán, nhưng công an huyện đã đấu tranh xử lý ngăn chặn kịp thời" - ông Liêm cho biết.

Tương tự, vào tháng 11/2019, dù mới sang ủi mặt bằng, giấy tờ pháp lý chưa có, thế nhưng Phát Lợi Group lại thản nhiên tự phân lô, lập dự án với tên gọi Khu dân cư Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ và công khai rao bán 174 lô đất liền kề; ngang nhiên thu tiền của khách hàng, bất chấp luật pháp.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ khẳng định, dự án Khu dân cư Phước Long Thọ là hoàn toàn không có thật. Đây chỉ là khu đất do ông Tăng Dũng Em làm chủ và đã ủy quyền cho Công ty Phát Lợi trong vòng 20 năm toàn quyền sử dụng, mua bán...

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 4.
Tại huyện Xuyên Mộc một chủ đất tự ý làm hạ tầng, hình thành đường giao thông trên diện tích gần 60ha.
Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 5.
Khi bị phát hiện sai phạm chủ khu đất 60 ha ở Xuyên Mộc đã hình thành nhiều đường giao thông.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, mới đây (ngày 20/5), địa phương này cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quốc Vinh, ngụ quận 3, TP HCM vì đã có hành vi chuyển đổi đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cùng với đó thì ngay từ đầu năm nay, nhiều công ty bất động sản tham gia môi giới cho dự án Hồ Tràm Riverside trên khu đất do ông Nguyễn Quốc Vinh làm chủ, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.

Cần xem lại công tác quản lý đất đai tại các địa phương

Theo bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, đất của ông Nguyễn Quốc Vinh mà các công ty môi giới bất động sản gọi là dự án Hồ Tràm Riverside đã xuất hiện hình thức tự ý làm đường, san gạt hạ tầng trên khu đất gần 60 ha và tổ chức rao bán trên các trang web bất động sản từ tháng 12/2019.

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 6.
Dự án Khu dân cư Đá Bạc chỉ là khu đất trống, hạ tầng chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, qua làm việc, ông Nguyễn Quốc Vinh không thừa nhận đã rao bán đất nền tại vị trí trên. Hành vi tự ý chuyển đổi mục đích đất sử dụng của ông Vinh đã bị huyện xử phạt 40 triệu đồng; yêu cầu ông Vinh khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Bà Lê Thị Trang Đài nhấn mạnh: "Khu đất nào mà hình thành đường hay có hiện tượng như thế thì cơ quan chức năng phải vào cuộc từ đầu. Những trường hợp như vậy về quản lý nhà nước phải tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và buộc họ phải trả lại hiện trạng ban đầu. Ví dụ như: Một thửa đất mà có hiện tượng băm, cắt ra trái phép chỉ cần có thông tin dư luận, báo chí thì chính quyền phải vào cuộc ngay".

Còn ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, trường hợp dự án tại xã Phước Long Thọ, huyện cũng đã phát hiện ngăn chặn kịp thời, xử lý tự ý san gạt mặt bằng, có dấu hiệu của việc phân lô bán nền. Sắp tới huyện sẽ xử lý người đứng đầu các địa phương nếu để xảy tình trạng tương tự.

Kinh doanh bất động sản kiểu Alibaba vẫn tái diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 7.
Chính quyền huyện Châu Đức đã dựng bản cảnh báo tại khu đất không có dự án khu dân cư.

"Hiện nay chỉ quản lý từ cơ sở, huyện cũng đã giao cho Văn phòng đăng ký đất đai khi người dân chuyển tách từ 5 – 7 thửa trở lên là có văn bản gửi về các địa phương để theo dõi. Còn nhận được thông tin người dân báo thì huyện sẽ đi thực tế các hiện tượng rao bán, xác định vị trí đúng thì cảnh báo người dân, giống như ở xã Phước Long Thọ thì đưa vào diện theo dõi" - ông Lê Văn Hòa cho biết.

Trước đây, VOV đã có loạt bài về tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp của tập đoàn Địa ốc Alibaba, nếu cương quyết việc xử lý sai phạm từ cơ sở thì sẽ không có Alibaba thứ hai.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền diễn ra nhan nhản tại nhiều địa phương, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần xem lại công tác quản lý đất đai tại các huyện, thị, thành phố. Liệu chính quyền cơ sở đã thật sự làm hết trách nhiệm, cương quyết xử lý từ khi những dự án còn đang manh nha?./.