6 năm trước, anh Hoàng Mạnh Tú đã quyết định dừng lại chuỗi cửa hàng gà rán, sữa chua tại thành phố Thái Nguyên, xuống Hà Nội làm môi giới bất động sản. Lúc đó, anh đang "gánh" khoản nợ hơn 200 triệu đồng. Từ một người từng nghĩ rán nem chua, làm kem là công việc rất yêu thích và từng thành công với chuỗi cửa hàng đắt khách, cuối cùng, anh Tú đã lựa chọn rẽ sang hướng đi hoàn toàn mới: khởi nghiệp lại từ bất động sản.
Tháng 8/2015, Tú chính thức trở thành nhân viên môi giới trong công ty bất động sản ở Hà Nội, chuyên về các dự án nghỉ dưỡng. Thương vụ đầu tiên mà anh nhớ nhất, đó là đúng 3 ngày đầu tiên, một vị khách đã hẹn muốn mua 3 căn biệt thự. Trung bình của mỗi căn biệt thự khi đó dao động từ 3,8 – 4,2 tỷ đồng.
Anh Hoàng Mạnh Tú (Ảnh: NVCC)
Anh Tú tính nhẩm, nếu chốt thành công 3 giao dịch, số tiền hoa hồng của anh có thể lên tới gần 1 tỷ đồng.
"Vị khách có hẹn tôi đến nhà để làm hợp đồng, đặt cọc tiền. Tôi đã nghĩ mình sắp thay đổi cuộc đời, sẽ trả hết nợ và hào quang lại xuất hiện trở lại như thời điểm mở cửa hàng gà rán, sữa chua phát đạt. Thế nhưng, khi đến gặp họ, tôi đã không thể tư vấn đầy đủ về kiến thức, sản phẩm đang bán. Cuối cùng, vị khách đã chốt 3 căn biệt thự tại đại lý phân phối khác".
Với anh Tú, đó là thương vụ đầu tiên nhớ đời trong con đường bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Cũng nhờ thương vụ chốt "hụt" này mà anh Tú nhận ra một bài học quan trọng: sự chuẩn bị trước khi gặp khách hàng. Kiến thức của người môi giới về sản phẩm, thị trường quyết định lớn tới việc khách hàng có mua hay không.
"Mình không chỉ nói được về sản phẩm của mình và còn phải có cái nhìn tổng quan về loại hình phân khúc bất động sản. Tại sao thời điểm đó bất động sản nghỉ dưỡng là kênh đầu tư tốt và tại sao thời điểm này, người ta nhắc đến bất động sản công nghiệp. Mình không trả lời được người ta, họ tưởng mình là tay mơ", anh Tú nói.
Sau bài học đầu tiên, phải ít tháng sau, anh Tú mới thực hiện được giao dịch đầu tiên. Đến cuối năm 2015, một thương vụ khác cũng khiến anh "khắc cốt ghi tâm". Anh kể: "Tôi chăm sóc một vị khách khá kỹ lưỡng và họ chuẩn bị mua. Đến lúc từ công ty đi về nhà, tôi nghĩ sẽ gọi điện hẹn anh ấy đến để làm hợp đồng đặt cọc. Nhưng điện thoại lại hết tiền. Lúc đó, công nghệ không hiện đại như bây giờ với các ứng dụng nạp tiền điện thoại. Chỉ vì thiếu 20.000 đồng mà đến hôm sau tôi mới nhận được thông tin, vị khách hàng vừa cọc tiền với môi giới khác".
Sau một khoảng thời gian bắt đầu bước vào lĩnh vực bất động sản từ nghề môi giới, anh Tú chuyển sang đầu tư. Theo anh Tú, chỉ có đầu tư mới có thể đem lại thành công, và giúp anh đạt được mục tiêu về tài chính và sự nghiệp.
"Môi giới nếu chốt thành công một thương vụ, chi phí hoa hồng cao là khoảng 3-4%, còn có lúc xuống 2%. Nếu bán rất tốt, mỗi tháng 5-7 thương vụ thì thu nhập khoảng 100-200 triệu đồng. Công việc này không thể giúp cho tôi đạt được mục tiêu lớn. Trong khi đó, tôi đang muốn tạo ra sự gia tăng đột biến về tài sản. Tôi nhận thấy, những người càng thành công, họ càng đầu tư", anh Tú nói.
Chia sẻ thêm về lựa chọn theo đuổi đầu tư bất động sản, theo anh Tú, khi đầu tư, mình chỉ cần nhìn nhận thương vụ đó và phân tích có sinh lời hay không. Việc của nhà đầu tư là bỏ tiền vào và đi chơi, đợi chờ tăng giá.
"Trước đây, tôi từng môi giới thành công thương vụ khách sạn trị giá 135 tỷ đồng. Sau 3 năm, khách sạn này tăng lên tới 400 tỷ đồng. Nhưng nếu tính riêng trong kinh doanh, khó có khoản tiền lãi tốt như việc tự tăng giá của tài sản. Đó là đầu tư để tiền sinh ra tiền", anh Tú chia sẻ thêm.
Đến thời điểm hiện tại, tổng khối tài sản của anh Tú lên tới hàng chục tỷ đồng. Anh cũng là CEO của công ty bất động sản. Tuy nhiên, anh Tú cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay là những bài học từ thất bại, sự kiên trì theo đuổi công việc.
"Hồi mới đi làm môi giới, tôi phải ở nhờ nhà bạn vì không có tiền. Cứ trung bình 3 ngày, bạn tôi đưa cho 500.000 đồng để chi tiêu. Đây là số tiền tôi chi cho việc đi lại, gọi điện, mời cà phê khách hàng. Ban đầu không có kiến thức, gọi điện, khách chửi nhiều. Nhưng nghe chửi nhiều thành quen, tôi cứ gọi điện chăm sóc họ.
Tôi còn chăm chỉ đi các hội thảo ở Hà Nội. Cứ gặp khách là tôi lại giới thiệu về dự án của mình. Tôi xác định, càng tư vấn nhiều, càng "thấm" sản phẩm, càng nói trơn tru. Tôi cũng đặt ra kỷ luật cho chính bản thân: Mỗi ngày phải gặp được ít nhất 2 khách hàng mới và không về nhà trước 10 giờ đêm", anh Tú kể.
Hiện tại, anh Tú đặt mục tiêu trong tương lai là thành lập tập đoàn bất động sản, công nghệ và kỳ vọng xây dựng tòa nhà cao tầng hiện đại.