Theo đại diện Savills Việt Nam, BĐS nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu hiện hữu, nhất là đối với nhu cầu ở thực. Dịch Covid-19 là cơ hội cho các đơn vị phát triển dự án tự nhìn lại chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc sản phẩm, để thích ứng với những biến động có thể xảy ra.
Cũng theo một số chuyên gia, với BĐS nhà ở hoạt động mua nhà dựa trên nhu cầu và kế hoạch để sinh sống trong dài hạn. Dù vậy, khách quan mà nói, phân khúc này cũng không “miễn nhiễm” với dịch Covid-19. Khách mua nhà không dành thời gian đi xem dự án mà ưu tiên sức khỏe, dẫn đến giao dịch sụt giảm. Chính vì thế, trong bối cảnh này một số chủ đầu tư đã lên chiến lược đánh vào tâm lý sở hữu nhà bằng chính yếu tố sức khỏe - yếu tố mà hiện tại con người dành sự ưu tiên hàng đầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Hải Phát Land cho biết, thị trường BĐS đang đối diện nhiều khó khăn và thách thức, không phải bây giờ mà từ cuối năm 2019 cũng đã khó khăn. Chính vì thế ngay từ 2019 Hải Phát Land cũng đã có những chiến lược dịch chuyển thị phần.
Và để ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chiến lược 2020 của công ty là tập trung vào các TP lớn – nơi có nhu cầu ở thực, nên giao dịch tại hệ thống của Hải Phát Land vẫn túc tắc chứ không "đóng băng". Số lượng giao dịch đất nền và căn hộ có giảm nhưng không bị sụt hẳn.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, Công ty thực hiện chiến lược đầu tư vào bất động sản xanh. Dự án được đầu tư tối đa cảnh quan thiên nhiên khi dành đến hơn 60% diện tích tương đương hơn 100ha dành cho cho mảng xanh, mặt nước và các công trình tiện ích, cao gấp 10 lần so với chuẩn quy định.
Theo bà Hương, dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn phải tiếp tục triển khai. BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ CĐT mà cả NĐT cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bên vững trong dài hạn.
Nữ CEO cũng chỉ ra, quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn quy định diện tích cây xanh cần đạt được từ 6-7 m2/người, nhưng hiện trạng thực tế tính bình quân mảng xanh các thành phố lớn ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,5 m2/người. Tổng diện tích cây xanh so với yêu cầu chỉ đạt 8%. Với tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh, hàng nghìn công trình lớn nhỏ đang mọc lên mỗi ngày, nhu cầu của người dân về một không gian xanh ngày càng trở nên bức thiết bởi không chỉ mang lại lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường mà còn nâng cao chất lượng sống, an toàn sức khỏe cho người dân.
“Nhu cầu của khách hàng về không gian xanh, BĐS xanh với các tiêu chí như gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng khiến các doanh nghiệp chủ đầu tư ngày càng chú trọng phát triển dự án xanh, thân thiện môi trường. Nhìn rộng hơn, đầu tư vào môi trường sống xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, an toàn với môi trường, chi phí sử dụng lâu dài thấp, nâng cao sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao”, bà Hương nhấn mạnh.
Tương tự, Tập đoàn Novaland cũng chạy thông điệp xanh cho dự án Aqua City, tọa lạc tại Đồng Nai. CĐT này cho biết, dự án có quy mô lên đến hơn 1.000 ha, nhưng dành hơn 70% diện tích cho mảng xanh với nhiều tiện ích công cộng như trường học các cấp, bệnh viện, trung tâm mua sắm, các công viên lớn, bến du thuyền lớn…
Theo đại diện đơn vị này, sau đại dịch này, thị trường sẽ có những dự án chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm nhà ở và không gian sống nhằm đảm bảo sức khỏe cho cư dân, trong bối cảnh mọi người rất lo ngại thời gian qua. “Thời gian qua, các khái niệm về không gian sống xanh hay sinh thái đang bị lạm dụng chứ chưa thực sự đi vào thực tế. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng hiện nay sẽ là một động lực quan trọng khiến các nhà phát triển dự án phải thay đổi”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia trong ngành, các không gian đô thị sinh thái, chất lượng hướng đến việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho cư dân được kỳ vọng phát triển hơn. Đây là mô hình vốn không xa lạ tại Việt Nam, nhưng chưa thật sự khởi sắc. Vì thế, doanh nghiệp nào chú tâm phát triển theo chiến lược này sẽ phát triển bền vững trên thị trường. Trong bối cảnh này, đây cũng là cách kích cầu hiệu quả.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, xu hướng quy hoạch môi trường xanh, xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Dự kiến, số lượng công trình xanh thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 13% từ nay đến năm 2025, kéo theo sự thay đổi về lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng, cũng như nhu cầu của khách hàng trong thị trường tiềm năng này.