Trước đó, tham dự gói thầu sân bay Long Thành có 3 liên danh. Trong đó có liên danh Hoa Lư do 7 nhà thầu trong nước kết hợp với một nhà thầu Thái Lan. Các thành viên trong liên danh là Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Trong đó, Coteccons đứng đầu liên danh.
Một liên danh khác do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG).
Được biết, gói thầu 35.000 tỷ đồng dự án sân bay Long Thành có 2 vòng mở thầu. Vòng đầu tiên là mở hồ sơ về yêu cầu kỹ thuật, vòng thứ 2 là mở hồ sơ về tài chính.
Đến nay, liên danh VIETUR là đơn vị duy nhất trong 3 liên danh dự thầu đã vượt qua vòng đầu tiên và đang đi đến vòng thứ 2. Nếu vượt qua vòng 2 thì liên danh này chính thức giành quyền thi công gói thầu “khủng” dự án Long Thành.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL EC, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Liên danh VIETUR do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Hiện Ic Istas hoạt động ở nhiều lĩnh vực: Xây dựng, đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch, công nghiệp trên phạm vi toàn cầu và có tổng doanh thu hàng năm tới 5 tỷ USD.
9 đơn vị còn lại đều là doanh nghiệp Việt, trong đó có 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch Coteccons gồm Newtecons, Ricons và SOL EC.
Gói thầu 5.10 là gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng.
Phía ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của Liên danh VIETUR đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tới tại trụ sở của ACV ở Tp.HCM.