Thu nhập giảm nhưng giá chung cư vẫn tăng đều
Vợ chồng chị Hoài Thương cùng làm kế toán ở Hà Nội, mỗi tháng thu nhập khoảng 40 triệu đồng và tiết kiệm được một nửa số đó. 2 năm nay, anh chị có thêm khoản thưởng cuối năm khoảng 80-90 triệu đồng nữa. Với số tiền tiết kiệm sau 6 năm kết hôn, 2 vợ chồng lên kế hoạch sẽ mua nhà trong năm nay nhưng dịch Covid-19 đã làm kế hoạch bị trì hoãn.
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 ập đến, công ty chị Thương cắt giảm 40% lương. Mức lương từ 14 triệu đồng mỗi tháng giờ còn hơn 8 triệu đồng, chỉ đủ để lo ăn uống cho gia đình 4 người. Chồng chị Thương dù không bị cắt lương nhưng phải chi gần 10 triệu mỗi tháng để trả tiền nhà, tiền điện nước cùng tiền học cho con. Sau khi thắt chặt chi tiêu, mỗi tháng 2 vợ chồng tiết kiệm được 13-15 triệu đồng.
Giá chung cư ngày càng vượt xa thu nhập của người lao động. Ảnh: Thủy Tiên |
Thu nhập giảm 15% do dịch bệnh nhưng giá chung cư lại ngày một cao. Những ngôi nhà anh chị từng tìm hiểu giờ không còn giá 2 tỷ đồng nữa, có căn đã đội giá lên 15% chỉ sau một năm. Khoảng cách giữa tiền lương và giá nhà ngày một nới rộng khiến kế hoạch sở hữu một ngôi nhà Hà Nội của gia đình chị lại tiếp tục phải tạm hoãn.
Một gia đình khác cũng vừa bỏ lỡ cơ hội mua nhà ở phía Tây Hà Nội sau những biến động tăng giá mạnh của thị trường chỉ trong vòng vài tháng nóng sốt. Giữa năm 2020, 2 vợ chồng ý định mua một mảnh đất 50 m2 ở khu vực làng An Thọ cách đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội) khoảng 2 km với giá 900 triệu đồng. Song dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 2 ở khiến công việc buôn bán ở Đà Nẵng của người chồng gặp khó, anh chị đành tạm hoãn việc mua đất xây nhà. Đến nay, mảnh đất cũ đã tăng giá thành 1,3 tỷ đồng. Giá đất tăng, thu nhập không cải thiện, kế hoạch mua nhà tiếp tục bị "treo".
Người mua nhà vẫn chờ chính sách
Thực tế từ cuối năm 2020 đến nay, giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, liên tục tăng, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Báo cáo thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng mới đây chỉ ra rằng, giá căn hộ chung cư bình quân tại Hà Nội và TP HCM đã tăng 5-7% so với quý I. Trong khi giá ở quý I cũng được cho là cao hơn 5-10% so với quý IV năm trước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung khi lực cầu trên thị trường vẫn rất cao là nguyên nhân chính đẩy giá chung cư tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, việc thành phố Hà Nội điều chỉnh tăng hệ số đất, dẫn đến tăng tiền sử dụng đất, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, các cơn sốt đất... cũng là các yếu tố tác động đến giá chung cư nói riêng và giá bất động sản nói chung trong thời gian qua.
|
Người lao động ngày càng khó mua nhà. Ảnh: Thủy Tiên |
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định giá bất động sản tăng khiến giao dịch trên thị trường có dấu hiệu chững lại, người lao động ngày càng khó mua nhà. "Nhiều người sẽ phải chấp nhận mua nhà xa trung tâm hoặc trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trước mắt là các chính sách liên quan đến nhà ở thương mại giá rẻ mà Bộ Xây dựng đang nghiên cứu", ông Đính nói.
Thưc tế, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị. Tuy nhiên mới đây, trả lời cử tri liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết việc xây dựng chính sách này đang gặp cản trở.
Cụ thể, chính sách này tập trung vào một số ưu đãi như ưu đãi về đất đai (giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất), về thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp); về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; cơ chế huy động vốn… để khuyến khích doanh nghiệp tham gia và gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Luật Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Thuế (miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp)…Nghị quyết của Chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành.
Vì vậy, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, cho Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp”. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.