Khởi công dự án nâng cấp đường cất hạ cánh 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10, nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Để đảm bảo khai thác an toàn bay, ngày 29/6 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn 2 Cảng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo tiêu chuẩn thiết kế, nếu không sớm cải tạo, các đường băng tại 2 sân bay có thể phải dừng khai thác bay, gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không.

Khởi công dự án nâng cấp đường cất hạ cánh 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn báo cáo dự án.


Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại 2 sân bay không đáp ứng được yêu cầu khai thác đến năm 2025, dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm với sân bay Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm với sân bay Tân Sơn Nhất. Do vậy, việc sớm cải tạo, nâng cấp các đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này là cấp bách.

Ban quản lý dự án Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao quản lý, thực hiện 2 dự án này. Sau khi cải tạo, nâng cấp, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn an ninh cho hoạt động hàng không, an ninh quốc phòng, phục vụ phát triển bền vững hoạt động vận tải hàng không quốc gia và kinh tế xã hội đất nước.

Tổng mức đầu tư dự án là 2.031 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: Bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200 m đường cất hạ cánh phục vụ Tết nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa dự án vào khai thác trước Tết nguyên đán năm 2022.

Các hạng mục xây dựng gồm: Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ...

Dải bay tại 2 sân bay được xây dựng phù hợp với sân bay cấp 4E, có bể rộng 45,72 m, 2 lề vật liệu rộng 7,5m, 2 dải san gạt rộng 45 m. Tổng chiều rộng là 150,72m. Dải lăn được xây dựng phù hợp với máy bay Code E, bề rộng 23 m, 2 lề vật liệu rộng 10,5 m, 2 dải san gạt rộng 21,5 m, Tổng chiều rộng là 87 m...

Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, 2 dự án này là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.

Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài; Tổng công ty Cửu Long là đơn vị quản lý dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất.