Tin tức bất động sản nổi bật nhất tuần qua (22/5 - 27/5/2020)

Nhà đầu tư phải bán lúa non với giá thấp hơn kỳ vọng do không đủ tài chính theo tiến độ dự án là thông tin đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản tuần qua.

Tin bất động sản nổi bật

Nhà đầu tư “khóc ròng” vì không đủ tiền theo tiến độ dự án: Theo tìm hiểu của TinNhaDatVN.Com, tình hình kinh doanh khó khăn khiến không ít nhà đầu tư buộc phải bán lúa non vì không đủ tài chính nộp theo tiến độ dự án. Nhiều người chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, thậm chí giảm giá gốc để nhanh chóng ra hàng. Không ít chủ hộ dù nguồn tiền vẫn còn nhưng để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh dài hạn hay trả nợ ngân hàng nên không thể duy trì đầu tư vào BĐS như dự kiến trước đó. 

Công trường dự án bất động sản đang triển khai.
Đuối tài chính, không theo được tiến độ dự án khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản
phải "bán lúa non". Ảnh minh họa

- Giao dịch đất nền khu Đông ảm đạm do giá cao: Theo khảo sát thực tế của TinNhaDatVN.Com, giao dịch tại khu Đông, TP.HCM hiện vẫn chưa khởi sắc so với mấy tháng trước, dù đây vốn là thị trường BĐS rất sôi động, nhất là đất nền, đất thổ. Các tuyến đường từng xuất hiện nhiều sạp môi giới lưu động như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Lò Lu, Lã Xuân Oai hay Nguyễn Xiển giờ đều vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều sàn giao dịch trên địa bàn vẫn cửa đóng then cài dù thời điểm giãn cách vì dịch đã đi qua gần 2 tháng.

Thị trường dư thừa 70-100 triệu m2 nhà ở trung - cao cấp: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một trong những bất cập của thị trường đã tồn tại khá lâu mà chưa có hướng giải quyết đó là sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu bất động sản. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20-30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm triển khai. Thị trường hiện đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn cao trung cấp.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang “dọn tổ đón đại bàng”: Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sau giai đoạn phát triển nóng 2014-2019, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong nhịp chững lại, bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, là phân khúc có đà phát triển tốt nhất của thị trường. Nguyên nhân là bởi Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, môi trường đầu tư – kinh doanh liên tiếp được cải thiện, nguồn lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp… 

Thông tin quy hoạch, dự án mới

Toàn cảnh cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng
Cầu Vĩnh Tuy 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng

- Hà Nội sắp khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2: UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 (cầu Vĩnh Tuy 2). Theo phê duyệt, cầu Vĩnh Tuy hiện nay sẽ được mở rộng gấp đôi, gồm 2 làn riêng biệt.

Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 3,47km. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai. Điểm cuối giao với đường Thạch Bàn và Cổ Linh.

- Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng: Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ và liên danh chủ đầu tư vừa có cuộc họp về Quần thể vui chơi giải trí và biệt thự sinh thái Santa Barbara Phú Mỹ. Dự án được triển khai trên diện tích 3.785ha. 

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng vừa báo cáo chủ trương đầu tư Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ với diện tích 450ha.

Khởi công xây dựng cầu Cần Giờ vào năm 2022: Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, trong năm 2022, dự án cầu Cần Giờ sẽ được đấu thầu, khởi công và đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.300 tỷ đồng. Để dự án đúng tiến độ, người dân, chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần phối hợp để sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.

Tạm dừng quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong: Dựa trên ý kiến của các bộ và đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đến khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

TH