Đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt chính sách nhằm "đẩy lùi tình trạng bong bóng" trên thị trường bất động sản. Thứ nhất, Chính phủ nước này đã ban hành quy định ngặt nghèo hơn khi mua nhà và giảm bớt những ưu đãi về tài chính. Cụ thể, một người dân bị giới hạn số lượng nhà có thể mua và có sự khác biệt về tiêu chuẩn tùy thuộc vào người mua là người gốc địa phương hay người từ nơi khác chuyển đến.
Chính phủ nước này cũng đưa ra các mức tỷ lệ cọc dao động từ 20 - 80% ở từng địa phương. Thậm chí với những người mua căn nhà thứ 3 trở lên, họ phải trả trước 100% giá trị căn nhà. Đặc biệt, chính quyền một số tỉnh cũng đã đưa ra các sắc lệnh can thiệp vào giá nhà, yêu cầu tăng trưởng giá nhà phải thấp hơn mức tăng thu nhập bình quân người dân.
Tại Singapore, để ngăn chặn đầu cơ, thổi giá thị trường bất động sản thứ cấp, Chính phủ Singapore cũng đã áp dụng giải pháp đánh thuế bất động sản thứ 2. Theo đó, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 7% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 10% cho căn nhà thứ 3. Riêng đối với người nước ngoài mua nhà thì trả 15% cho mọi bất động sản.
Với người bán, Chính phủ cũng đánh thuế 16% giá trị với bất động sản mua bán lại trong năm, bán vào năm thứ hai đóng thuế 12%, năm thứ ba là 8% và năm thứ tư chỉ đóng 4%. Sau 4 năm người bán sẽ không phải đóng thuế. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng đánh mạnh vào hạn mức vay mua tài sản thấp dần từ căn thứ 2.
Tại Singapore, số lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp đã giảm đáng kể, các chủ đầu tư cũng buộc phải hạ giá thành để duy trì mức bán. Sau khi thị trường giảm nhiệt, nước này đã nới lỏng các chính sách, giảm bớt các mức thuế để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản.