KĐT có vốn đầu tư hơn 72.000 tỷ cách sân bay Long Thành 1 giờ di chuyển, rộng gần 300ha, quy mô 31.600 người vẫn "vắng bóng" chủ đầu tư

Mới đây, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, TP Biên Hòa với tổng vốn hơn 72.000 tỷ đồng.

Do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát thông báo tìm chủ đầu tư cho dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai ký chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 2/2023, có quy mô 293 ha, nằm tại vị trí đắc địa khi nằm ở cửa ngõ trung tâm TP Biên Hòa, tiếp giáp 2 con sông Đồng Nai và sông Cái.

Mức đầu tư dự kiến cho khu đô thị này gần 72.290 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 16.700 tỷ.

Theo quy hoạch, dự án gồm 2 loại hình nhà ở là thấp tầng (liền kề, biệt thự) và cao tầng (chung cư thương mại, nhà ở xã hội). Diện tích xây dựng nhà ở sẽ chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất của dự án. Sau khi hoàn thành, quy mô dân số khu đô thị Hiệp Hòa khoảng 31.600 người.

Đồng Nai cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án trong thời gian 12 năm (từ 2023 đến 2035) và phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần.

Được biết, trước đó, Đồng Nai cũng đã thông báo tìm nhà đầu tư dự án này lần đầu tiên vào cuối tháng 1/2024. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ đăng ký tham gia.

Về năng lực tài chính, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là hơn 10.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm 2022 đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán.

Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập trong năm, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán trong khoảng thời gian kể từ thời điểm thành lập đến trước thời điểm đóng thầu hoặc báo cáo tài chính giữa niên độ tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đóng thầu.

Đối với nhà đầu tư liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 15%.

Nhà đầu tư được lựa chọn là chủ đầu tư dư án sau khi được phê duyệt có trách nhiệm bỏ kinh phí lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) cho dự án, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Đến tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cũng báo cáo để UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh giảm yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm với nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia dự án.

Tuy nhiên, tiêu chí về năng lực tài chính của chủ đầu tư vẫn được giữ nguyên như ban đầu. Đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư đăng ký tham gia.