Con số này không có nghĩa là không phải tất cả chung cư này đang trong diện nguy hiểm, mất an toàn về cháy nổ bởi các vi phạm PCCC ở đây có cả các vi phạm về hồ sơ quản lý, về bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện những vi phạm về PCCC rất phổ biến, thậm chí có những nơi đang ở mức rất đáng báo động.
Chung cư Cảnh sát 113 là Dự án Nhà ở cho cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát trật tự – Công an TP Hà Nội, do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án cao 18 tầng với tổng số 104 căn hộ. Ảnh: Báo Tổ quốc
Tại Chung cư cảnh sát 113, quận Cầu Giấy, người dân đã vào ở 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu PCCC. Tủ báo cháy trung tâm cứ cắm điện vào thì dù không cháy, chuông vẫn cứ kêu inh ỏi. Để đỡ đau đầu, cách tốt nhất là ngắt luôn điện cho hệ thống này.
Hầm để xe được trang bị đầy đủ hệ thống chữa cháy tự động nhưng đường ống nước phục vụ PCCC rỉ sét, thủng nhiều vị trí nên phải khóa van nước lại. Điều đó cũng có nghĩa toàn bộ hệ thống PCCC tự động ở chung cư này, đã tê liệt.
Chuông báo cháy ở Chung cư cảnh sát 113 rất "kỳ lạ" đang đêm reo ầm ĩ khiến mọi người hoảng loạn mặc dù không có cháy hay sự cố gì. Ảnh: Báo Tổ quốc
Theo lý giải của chủ đầu tư, chung cư này được thẩm duyệt PCCC vào năm 2009 nhưng đến thời điểm nghiệm thu vào năm 2012, cơ quan chức năng yêu cầu phải bổ sung thêm theo tiêu chuẩn 06 năm 2010.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư nhiều lần gặp vướng mắc do bất đồng quan điểm với BQT và cư dân, khiến tiến độ bị kéo dài.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện rất nhiều lỗi vi phạm thường xuyên của các chung cư, nhà cao tầng như tay co của cửa thoát nạn hỏng, vòi nước hỏng, đèn sự cố hỏng, không tập huấn PCCC cho những người sinh sống và làm việc ở nhà cao tầng… Nhiều vi phạm dù nhỏ nhưng nó cũng thể hiện ý thức, sự chủ quan trong PCCC.