Hơn 800 sàn giao dịch nhà đất tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa

Hàng trăm sàn giao dịch nhà đất mọc lên như nấm sau mưa, kinh doanh kiểu lướt sóng kiếm lợi nhuận nhất thời… giờ phải đóng cửa

Tại hội thảo "Sức bật từ các đại đô thị" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ở TP HCM sáng 24-9, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie), cho biết lượng giao dịch nhà đất giảm mạnh nhất trong 4 năm qua, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giá nhà đất không giảm, thậm chí một số nơi tăng.

GS.TSKH Nguyễn Mại dẫn số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy đến cuối tháng 5, cả nước chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch nhà đất hoạt động cầm chừng. Đã có hơn 800 sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa.

 Hơn 800 sàn giao dịch nhà đất tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa  - Ảnh 1.

Thị trường BĐS khó khăn nhưng giá nhà đất không giảm. Ảnh: Linh Anh

"Những con số này cho thấy thực trạng của thị trường bất động sản (BĐS) dưới tác động của đại dịch. Hàng trăm sàn giao dịch BĐS trước đây mọc lên như nấm sau mưa, kinh doanh kiểu lướt sóng kiếm lợi nhuận nhất thời… giờ phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp địa ốc lớn cũng giảm 30%-70% lượng giao dịch, phải sa thải người lao động, tạo thêm gánh nặng cho xã hội" – GS Nguyễn Mại nói.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, BĐS là ngành đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, nhà ở… Khi thị trường BĐS rơi vào tình trạng suy thoái đã tác động đến khoảng 50 ngành nghề khác từ vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, vận chuyển, môi giới. GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định nợ xấu của các ngân hàng cũng gia tăng khi thị trường BĐS khó khăn.

"Thị trường BĐS "đóng băng" nhưng giá sản phẩm không giảm sâu như giai đoạn 2012-2013, trừ vài khách sạn nhỏ tại vài địa phương. Thậm chí, một số phân khúc còn tăng giá nhẹ" – GS Nguyễn Mại nói.

Dù thị trường BĐS đang gặp khó nhưng nguồn vốn đổ vào vẫn gia tăng. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 6 cho thấy tín dụng BĐS có quy mô đạt 1,6 triệu tỉ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ của nền kinh tế (không kể cho vay xây dựng).

Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 63%, khoảng 1 triệu tỉ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 600.000 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm, tín dụng BĐS vẫn tăng khoảng 1,5%.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá đây là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại và nâng cao hoạt động thị trường, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Một trong những điểm nổi bật trên thị trường BĐS gần đây là xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào BĐS, đặc biệt là BĐS công nghiệp. Bởi đây được đánh giá là phân khúc có tiềm năng lớn trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam gia tăng, làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam đang diễn ra. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước, nhất là tập đoàn kinh tế lớn cũng đang quan tâm đến việc xây dựng các khu công nghiệp gắn với khu đô thị mới…