Hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, xây dựng phát hành thành công sau khi có Nghị định 08

Sau Nghị định 08, dòng vốn trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng với 4 đợt phát hành, tổng giá trị huy động 7.085 tỷ đồng.

Thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau Nghị định 08 đã có hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, ngày 10/3, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas (trước đây là Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Tân Liên Phát Sài Gòn) đã huy động thành công 2.300 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu trong nước.

Theo đó, Dream City Villas phát hành 23.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2028. Lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định 6%/năm và thả nổi. Mục đích phát hành không được doanh nghiệp đề cập.

Cũng trong ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024, có lãi suất 13%/năm, là loại lãi suất kết hợp (kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi).

Đây là lô trái phiếu có giá trị lớn nhất được phát hành thành công trong khoảng 1 năm trở lại đây. Lô trái phiếu cuối cùng có giá trị trên 4.000 tỷ được ghi nhận trong khoảng thời gian này là của Novaland (NVL) với giá trị 5.543 tỷ đồng, phát hành ngày 19/05/2022.

Được biết, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An được thành lập tháng 8/2016, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là Kinh doanh bất động sản. Hiện tại, người dại diện theo pháp luật là ông Hoàng Quốc Thuỷ.

Bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp xây dựng cũng huy động trái phiếu thành công trong tháng 3.

Điển hình là CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô, huy động thành công 40 tỷ đồng và CTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành huy động thành công 45 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn vào ngày 9/3/2025.

Thị trường trái phiếu đón nhận thông tin tích cực khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, nghị định này cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.

Theo VNDirect, Nghị định 08 sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.

Dự báo về thị trường trái phiếu trong năm nay, FiinRatings cho biết, kênh huy động trái phiếu sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.