Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ; cơ cấu sản phẩm BĐS tại một số địa phương, khu vực còn chưa phù hợp; nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời, giá nhà ở tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Người mua nhà tham quan một dự án khu đô thị.
Hiện cũng chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình đặc thù như BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú và BĐS công nghiệp. Đặc biệt, thị trường vẫn còn tình trạng các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí là không có thật nhưng vẫn được rao bán nhằm lừa đảo, chiếm dụng tiền của người mua. Tính minh bạch của thị trường vẫn còn hạn chế do hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa hoàn chỉnh và bị phân mảnh do nhiều cơ quan cùng quản lý… từ đó, để đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ; tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường.
Để giải quyết các vấn đề này, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị Nhà nước cần phải cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án. Bởi thủ tục này rất phức tạp về phương pháp thẩm định do phải định tính dựa vào các giao dịch trên thị trường, dẫn đến kéo dài thời gian và thiếu minh bạch, các sai phạm của cơ quan thẩm quyền trong thời gian qua; đến nay vấn đề cũng chưa có giải pháp nào thật sự thuyết phục.
Cùng lúc, những bất cập về việc giao đất xen cài trong dự án phát triển nhà ở cũng cần được tháo gỡ. Chính phủ cần định nghĩa lại thế nào là đất công phân biệt với đất xen cài không ai quản lý để có cơ chế cho phép chủ đầu tư được giao phần đất xen cài thực hiện dự án.
Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, ý kiến nêu ra tại hội thảo sẽ là một trong những luận cứ để Ban Kinh tế Trung ương sử dụng nghiên cứu; tổng hợp vào Đề án đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới. Đây cũng là tài liệu để các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, để thị trường BĐS lành mạnh, bền vững