"Thần dược" cho ngành nghỉ dưỡng?
Liên tiếp các làn sóng Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu đã khiến ngành du lịch của nhiều quốc gia vốn đang thoi thóp càng tiến gần hơn đến cửa tử. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, ngành du lịch có thể thiệt hại hơn 1.000 tỉ USD trong năm 2020. Đồng thời, các hãng không đã thiệt hại 371 tỉ USD doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách, theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Trong nước, tình hình cũng không mấy sáng sủa dù Việt Nam là một trong những quốc gia có kết quả phòng chống dịch tốt nhất thế giới và vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Cụ thể, theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổng thu du lịch cả nước trong năm 2020 thiệt hại lên đến 530 nghìn tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD).
"Bóng ma Covid-19" không chỉ bao trùm ngành du lịch mà còn tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng chịu chung cảnh ngộ.
Việc triển khai hộ chiếu vaccine, vì thế, được kì vọng không chỉ làm sống lại ngành du lịch và hàng không đang chết lâm sàng, mà còn giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vượt qua cơn bạo bệnh. Savills Việt Nam nhận định, du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ là những ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng nhất sau dịch.
Hộ chiếu vaccine được kì vọng giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc
"Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai "thẻ xanh" hay còn gọi là hộ chiếu vaccine với mong muốn cứu vãn ngành lữ hành cũng như hàng loạt ngành kinh tế khác. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không thể bế quan tỏa cảng chống dịch mà buộc phải xem xét phương án cấp và chấp thuận hộ chiếu vaccine để có thể đạt mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế", ông Phạm Sỹ Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Real) nhận định.
Lộ trình tất yếu
Là quốc gia khởi phát của đại dịch, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên trên thế giới cấp hộ chiếu tiêm chủng cho khách du lịch để chứng minh rằng họ không bị nhiễm Covid-19.
Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào sẽ công nhận hộ chiếu vaccine của Trung Quốc đối với Covid-19. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là bước đi đầu tiên và cần thiết để mở cửa trở lại du lịch quốc tế và phục hồi nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia khác trong đó có cả EU và Mỹ đều đang xem xét triển khai các chương trình tương tự. Liên minh châu Âu đang thúc đẩy việc cấp "chứng chỉ xanh kĩ thuật số" cho phép những người trong số gần 500 triệu công dân đã được tiêm chủng hoặc mới hồi phục từ Covid có thể đi lại tự do giữa 27 quốc gia thành viên và tránh bị kiểm dịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nói với The New York Times vào ngày 25.4 rằng EU ngay sau mùa hè sẽ tiếp nhận vô điều kiện những du khách được tiêm vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt.
Israel, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, yêu cầu những cư dân được tiêm chủng đầy đủ phải cung cấp "thẻ xanh" bằng giấy hoặc kĩ thuật số để vào các địa điểm công cộng như phòng tập thể dục, nhà hát và khách sạn. Hy Lạp và Síp có hộ chiếu tiêm chủng dành riêng cho việc đi và đến Israel. Iceland đang chấp nhận người Mỹ có thẻ CDC chứng minh được tiêm chủng đầy đủ. Hungary yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine Covid-19. Ngay cạnh Việt Nam, Singapore và Thái Lan đã triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine trên diện hẹp…
Theo ông Phạm Sỹ Hoàng, bên cạnh chính sách kích cầu du lịch nội địa, hộ chiếu vaccine sẽ giúp ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương vốn phụ thuộc chủ yếu vào du khách quốc tế tăng sức đề kháng để chống chọi với đại dịch kéo dài
Mặc dù thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về việc áp dụng hộ chiếu vaccine như vấn đề phân biệt đối xử giữa người được chích vaccine và chưa được chích, tiêu chuẩn nào để cấp hộ chiếu vaccine trong khi hiệu quả của các loại vaccine không giống nhau, tính hiệu quả của loại hộ chiếu này… song, nhiều chuyên gia nhận định, việc cấp hộ chiếu vaccine sẽ là lộ trình tất yếu giúp Việt Nam mở cửa và cứu nền kinh tế.
"Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã kiệt quệ và nếu không hồi sức tích cực kịp thời thì rất có thể sẽ biến mất khỏi thị trường du lịch, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bên cạnh chính sách kích cầu du lịch nội địa, hộ chiếu vaccine sẽ giúp ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương vốn phụ thuộc chủ yếu vào du khách quốc tế tăng sức đề kháng để chống chọi với đại dịch kéo dài", ông Phạm Sỹ Hoàng nhìn nhận.
Mới đây, Phú Quốc đã đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng, không di chuyển nhiều. Nếu triển khai thành công, ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chính thức quay trở lại đường đua.