Hết thời "lướt sóng", nhà đầu tư BĐS găm tiền chờ cơ hội trở lại

Giới đầu tư bất động sản đánh giá thị trường vẫn có nhiều cơ hội, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều nhà đầu tư (NĐT) có xu hướng găm hàng, găm tiền để chờ cơ hội trở lại.

Thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào thế "khó chồng thêm khó". Khắp các phân khúc đều trong tình thế gần như "đóng băng" vì không có giao dịch diễn ra.

Ghi nhận ở các dự án mới mở bán, tình trạng các giỏ hàng cũng không có nhiều biến chuyển so với trước dịch. Trong khi đó, hàng loạt dự án mở bán từ năm 2020 số lượng hàng tồn vẫn chiếm rất lớn. Trên thực tế, mức giá bán ở thị trường căn hộ vẫn gia tăng nhưng lượng giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt. Một số dự án được nhà đầu tư liên tục rao sang nhượng lại trên thị trường thứ cấp nhưng vẫn không diễn biến khả quan.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu so với giai đoạn 2017-2018 thì rõ ràng, từ nửa cuối năm 2019 thị trường bất động sản không còn sôi động như trước, mặc dù vẫn giữ được sức nóng so với nhiều kênh đầu tư khác. Nguyên nhân lớn đến từ việc siết chặt các thủ tục pháp lý khiến nguồn cung bị hạn chế. Giai đoạn 2020 - 2021, bất động sản tiếp tục bị kìm hãm bởi dịch bệnh và cơn sốt đất ảo đầu năm 2021.

Anh Trần Minh T., một khách hàng ôm nhiều sản phẩm căn hộ trong năm 2020 cho biết, trên thực tế việc đầu tư thời gian qua gần như không mấy khả quan khi mà 2 năm qua tình hình dịch bệnh cứ diễn biến liên tục, cứ hết đợt này lại bùng đợt khác rất khó kiểm soát. 

Do đó, dù bỏ ra gần chục tỷ đồng ôm hàng nhiều sản phẩm ở các dự án căn hộ (giá tầm trung từ 2,5 tỷ đồng – 3,5 tỷ đồng mỗi căn) nhưng anh T. tính ra khoản tiền lời chênh lệch chỉ dao động trên dưới 1 tỷ đồng. Mỗi căn hộ, anh T. tính ra mức chênh lệch chỉ khoảng 50-100 triệu đồng/căn (sau 1 năm đầu tư), thậm chí nhiều căn rao bán chỉ cao hơn mức giá mua vài chục triệu đồng vẫn không có khách mua.

Hết thời lướt sóng, nhà đầu tư BĐS găm tiền chờ cơ hội trở lại - Ảnh 1.

Tương tự, chị Nguyễn Ái L., một nhà đầu tư lâu năm khác ở phân khúc đất nền cũng cho biết, 2 năm qua gần như không thể kiếm lời từ việc đầu tư bất động sản. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cứ mỗi đợt dịch qua đi, giới đầu tư vẫn chưa kịp bung dòng tiền thì đợt dịch khác kéo tới khiến cho họ thận trọng nhiều hơn.

Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể và có dấu hiệu chững lại, việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy nhưng chưa nhiều. Những nhà đầu tư chưa bung tiền thì họ tiếp tục giữ tiền, còn những nhà đầu tư đã mua trước đó thì họ sẽ găm hàng chờ cơ hội tốt mới bán ra.

Chị L. cho biết, mặc dù giá bán trên thị trường vẫn tăng nhưng thực tế chỉ tăng ở một số khu vực, điển hình như thành phố Thủ Đức đã có đợt tăng giá mạnh diễn ra trong năm 2020 và đầu năm 2021 do ảnh hưởng bởi việc thành lập thành phố Thủ Đức. Mức giá tăng mạnh lan nhanh trên tất cả các quận 9, quận 2, quận Thủ Đức (cũ). Còn tại các khu vực khác như quận 3, quận Tân Bình, quận 4, quận 6, quận 12 và các khu vực như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… mức giá bán gần như không tăng, hoặc chỉ tăng rất nhẹ.

Do đó, không thể nói rằng toàn bộ thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới nên trở nên kén nhà đầu tư. Theo chị L., thực chất trên thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư kiếm lời, nhưng tâm lý e ngại khiến nhiều người không dám bung dòng tiền vào các thời điểm vừa qua.

"Không phải nhà đầu tư không có tiền mà họ đang găm dòng tiền để chờ thị trường thật sự ổn định trở lại rồi mới bung. Theo tôi được biết, thời gian qua chỉ có số ít nhà đầu nhiều kinh nghiệm, am hiểu thị trường mới dám xuống tiền vào bất động sản, còn đa phần họ vẫn gửi ngân hàng, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào chứng khoán, hay bỏ vào các kênh đầu tư khác mỗi nơi một ít để chờ thị trường ổn định trở lại.

Bởi hiện tại, nếu bỏ tiền vào bất động sản thì cũng phải tiếp tục chờ, một khi mức giá đứng im thì không thể sinh lời. Thậm chí, kể cả sau dịch qua đi thì cũng cần đến một khoảng thời gian dài hơi để thị trường ổn định rồi mới có thể quay về dòng chảy đầu tư như trước khi dịch bệnh xuất hiện", chị L. nhận định.

Không riêng chị L. mà phần nhà đầu tư có kinh nghiệm đều nhận định hiện nay rất khó kiếm lời từ bất động sản, thậm chí phương thức đầu tư "lướt sóng" gần như không còn hữu hiệu. Do đó, thị trường sẽ vẫn tiếp tục lặng sóng cho đến năm 2022 hoặc đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng, với lực hấp dẫn khó cưỡng từ tỷ suất sinh lời cũng như sự ổn định, bảo toàn dòng vốn, bất động sản vẫn sẽ là thị trường phục hồi tốt hơn so với các kênh đầu tư còn lại.