Hệ thống cao tốc hứa hẹn thay đổi diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long

Hệ thống cao tốc hứa hẹn thay đổi diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long

Đầu tư 7 tuyến cao tốc hơn 64.550 tỷ đồng trước 2025

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông và phía tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.

Bộ GTVT đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư công giai đoạn phân kỳ của 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng. Trong đó, các đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có nhu cầu vốn khoảng 37.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ xây dựng một cảng biển nước sâu ở ĐBSCL. Cảng được xây dựng tại khu vực cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cách bờ khoảng 16 km, hàng hóa được đưa từ đất liền ra cảng bằng cầu, khi đó tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoạt động được mà không cần nạo vét, tránh được tình trạng nước cạn.

Hệ thống cao tốc hứa hẹn thay đổi diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía tây. Ảnh: VGP


Cuối tháng 12/2020, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông tuyến sau 11 năm khởi công. Thời gian thông xe chính thức vẫn còn hơn 1 năm nhưng việc thông xe tạm tuyến cao tốc được đánh giá có ý nghĩa rất lớn với hơn 20 triệu người dân miền Tây.Tình hình triển khai thực tế

Ngày 4/1/2021, tại tỉnh Vĩnh Long, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công với chiều dài gần 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp. Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỷ đồng với thời gian thi công 2 năm.

Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TP HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP HCM đi Cần Thơ. Thời gian đi từ TP HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 giờ so với 3 - 4 giờ hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên QL1.

Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng đã được thông xe ngày 12/1 vừa qua. Tuyến đường dài hơn 51 km, rộng 17 m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây vùng ĐBSCL.

Cao tốc Bắc - Nam phía tây sẽ kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua QL1A.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ. Tuyến Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang góp phần tạo thành trục cao tốc Bắc - Nam phía tây dài hơn 130 km.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố. Trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1... từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.

Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km. Điểm đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu. Tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ. Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ) và cao tốc Bắc - Nam phía tây (Bình Phước - TP HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang).