So với bảng giá đất ban hành năm 2015, khu vực TP. Nha Trang giá đất đã tăng 50%; khu vực huyện, thị xã, thành phố còn lại tăng 30%...Tuy nhiên, mốc thời gian thông qua bảng giá đất mới không liên tục với mốc thời gian kết thúc bảng giá đất cũ, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Thời hiệu của văn bản không liên tục
Theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.
Tại Khánh Hòa, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh đã công bố vào năm 2015 và hiệu lực đến cuối năm 2019. Và theo quy định của pháp luật, đầu năm 2020, tỉnh Khánh Hòa phải ban hành bảng giá đất mới cho 5 năm tiếp theo, tuy nhiên, không biết vì lý do gì, mãi đến giữa tháng 2/2020 tỉnh này vẫn chưa ban hành bảng giá đất mới theo quy định.
Sau một thời gian bị trì hoãn, chiều ngày 7/2/2020, tại kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI mới có quyết định thông qua bảng giá đất mới cho 5 năm giai đoạn 2020 – 2024. Đến ngày 18/2, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có quyết định ban hành bảng giá đất mới.So với bảng giá đất ban hành năm 2015, đối với đất ở: khu vực TP. Nha Trang tăng 50%; khu vực huyện, thị xã, thành phố còn lại tăng 30%; đất ven trục giao thông chính qua các xã đồng bằng tăng 50%, qua các xã miền núi tăng 30%.
Đối với đất nông nghiệp, tăng 50% so với quy định tại bảng giá đất ban hành năm 2015 và làm tròn số liệu cho tiện áp dụng.Việc thông qua giá đất mới không có tính liên tục đã phát sinh nhiều hệ lụy khi hàng nghìn hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đã được các văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ chuyển sang cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính, và hơn 3 tháng nay vẫn chưa thực hiện được.
Được biết, hiện nay, để "tháo gỡ những vướng mắc này, Văn phòng quản lý đất đai Nha Trang lại có động thái "hướng dẫn" người dân đã nộp hồ sơ làm thủ tục về đất đai từ đầu năm 2020 đến nay, làm "đơn cam kết", "xin được" áp dụng bảng giá đất mới để tính thuế nhằm nhanh chóng được giải quyết hồ sơ, thủ tục. Trong Đơn cam kết, người dân cũng cam kết không được khiếu kiện, khiếu nại về sau.
Áp dụng theo hướng có lợi cho dân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 05/3, UBND tỉnh có văn bản gửi HĐND tỉnh nhắc lại xin ý kiến trong khoảng thời gian "bị trống" xin áp dụng bảng giá đất của năm 2019 nhưng đến nay HĐND tỉnh chưa có ý kiến.
Nói về "Bảng cam kết", ông Phúc khẳng định: "Không có cam kết gì cả, vì thời gian đó chưa có bảng giá đất mà anh cam kết xin áp dụng bảng giá đất mới là trái quy định. Bởi thủ tục hành chính nếu vào mốc thời gian 2019 thì triển khai còn không thì dừng. Nếu người dân nào muốn nhanh thì tốt nhất nên làm "động tác" xin rút hồ sơ ra vì lý do bổ sung hồ sơ và nộp vào lại thì thủ tục sẽ chạy bình thường. Còn những hồ sơ không chịu rút thì chờ ý kiến của UBND tỉnh.
Theo một chuyên gia Bất động sản tại Khánh Hòa, lỗi này là do chính quyền chậm ban hành giá đất mới theo quy định, người dân không có lỗi. "Theo tôi, tốt nhất là Tỉnh nên cho áp dụng bảng giá đất cũ để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp nộp hồ sơ trong giai đoạn từ ngày 01/01/2020 đến ngày bảng giá đất mới có hiệu lực. Mặc khác, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh này, chính quyền cũng nên hỗ trợ cho người dân", chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo Luật sư Nguyễn Tường Linh, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, nếu theo đúng quy định của pháp luật, bảng giá đất mới có hiệu lực phải nối tiếp thời gian kết thúc của bảng giá đất cũ. Ở đây, thời hiệu của bảng giá đất mới có hiệu lực ngày nào thì áp dụng từ thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu những hồ sơ đang vướng "khoảng trống" này thì áp dụng theo nguyên tắc ưu tiên có lợi cho dân.