Anh Nguyễn Trung An (quận Cầu Giấy – Hà Nội) cũng vừa đã kịp “đẩy” hàng tồn tại Ba Vì, mảnh đất này anh đã mua từ năm 2008. Cầm tiền bán đất, anh lại đầu tư ngay vào khu đất đấu giá thôn Đồng Húc, xã Đại Đồng (Tiên Du, Bắc Ninh).
Thời điểm cuối tháng 2/2021, anh An đầu tư lô đất 100m2, giá 23,5 triệu đồng/m2. Sau một thời gian ngắn, có khách hàng đã trả lên 26 triệu đồng/m2 nhưng anh vẫn chưa bán với kỳ vọng giá còn lên nữa.
Tuy nhiên, khi có thông tin các Bộ ngành và UBND tỉnh Bắc Ninh vào cuộc để chặn cơn sốt đất, ngay lập tức anh đã tìm cách để bán mảnh đất này, thậm chí chịu mất thêm chi phí để nhờ môi giới bán, nhưng mức giá đã nhanh chóng xuống chỉ còn 24,5 triệu đồng/m2.
Dù lãi ít nhưng anh cũng chấp nhận chốt bán để “thoát” hàng, tránh bị chôn vốn lâu như đã đầu tư ở Ba Vì.
Nhiều mảnh đất ở Ba Vì đang được các nhà đầu tư ráo riết tìm cách 'đẩy' hàng. |
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn và nhanh chân như anh An. Trong vai tìm kiếm mua đất ở khu vực Ba Vì, PV Infonet đã tìm đến chị Hà, người đang rao bán một mảnh đất diện tích hơn 1ha ở xã Minh Quang. Chị Hà phát giá đúng 13 tỷ đồng mới bán được với lý do lúc chị mua từ nhà đầu tư khác giá cũng đã cao nên không thể bán thấp hơn.
“Tôi nói thật là mảnh đất này rất đẹp, tôi đã mất nhiều chi phí san nền, trồng cây, xây tường bao sạch đẹp. Nếu thực sự thích, chị có thể rủ thêm bạn bè, người thân mà mua chung, mảnh này có giấy chứng nhận của xã có hơn 7000m2 đất thổ cư, có thể xây căn nhà thi thoảng cuối tuần về nghỉ, còn lại làm vườn, trồng cây, ao nuôi cá. Tôi mua mảnh đất này 3 năm trước, định để xây nhà ở nhưng các con không đồng ý nên mới rao bán”, chị Hà giới thiệu để thuyết phục khách.
Với giá 13 tỷ đồng, chị H. nói nếu đồng ý cùng nhau ra xã xác nhận việc mua bán, khi đó chi phí xác nhận này hết bao nhiêu thì chị sẽ chi khoản đó.
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì chị Hà chính là một nhà đầu tư chuyên mua đi bán lại kiếm lời nhiều lô đất quanh khu vực Sơn Tây, Ba Vì. Thời điểm này, chị đang rao bán một số mảnh đất ở Ba Vì, Sơn Tây; trong đó, có mảnh đất thổ cư ở Sơn Tây cũng đang được chị rao bán giá hơn 4 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Thái – một nhà đầu tư có khoảng 20 sào đất ở thôn Dy, xã Minh Quang, Ba Vì cho biết, nếu những ngày trước khu vực này luôn nườm nượp ô tô đi tìm mua đất thì nay đã thưa vắng.
Khi giá đất nông nghiệp tại đây tăng chóng mặt, vài năm trước giá mua bán trao tay chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên tới 100 triệu, rồi 120 triệu đồng/sào, thậm chí có thời điểm là 450 triệu đồng/sào… thì rất nhiều người đã đổ về “ôm” đất với mục đích lướt sóng kiếm lời.
Có những cụm hàng chục người ở thành phố kéo nhau về mua dọc một khu để thành hàng xóm, thì nay chỉ còn 2 hộ ở lại, các các hộ khác hiện đang đồng loạt rao bán.
Nhiều miếng đất quanh khu vực này đang được rao bán hầu hết là của những nhà đầu tư và môi giới trước đây đã trót “ôm” nhưng không kịp “thoát” hàng thời điểm ‘sốt’, nên bây giờ đang ráo riết tìm cách “đẩy hàng”, chào bán khắp nơi.
Nhờ cơn sốt đất, có người một đêm đã trở thành tỷ phú, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lợi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng từ việc lướt sóng đất, nhưng cũng có không ít người “ngậm quả đắng” vì chạy theo cơn sốt đất.
Trong một tọa đàm về sốt đất, ông Nguyễn Minh Khang – Tổng giám đốc Công ty LDG Group cho rằng, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.
Thực tế này dễ dàng nhìn thấy ở bài học từ thị trường Nhơn Trạch và cả TP.HCM nhiều năm trước đây. Đâu thiếu nhà đầu tư cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì không ra được hàng.
Có lẽ trên thị trường bất động sản sau cơn sốt đất thời gian qua, thì nay rất nhiều trường hợp đang loay hoay tìm lối thoát khi chạy theo vòng xoáy sốt đất. Song, không phải ai cũng may mắn ‘thoát’ được hàng như trường hợp nhà đầu tư nói trên.