Huyện Mê Linh có vị trí tiếp giáp với Sân bay Quốc tế Nội Bài, là tụ điểm tiếp nối giao thông từ phía Bắc xuống, phía Nam lên và từ sân bay Nội Bài về. Huyện còn có tuyến vành đai 4 chạy qua; trong tháng 10/2024 sẽ khởi công cầu Hồng Hà.
Năm 2008, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, theo đó, toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Sau hơn 15 năm phát triển, huyện Mê Linh phát triển mạnh mẽ về mọi mặt; kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn đổi thay theo hướng đô thị văn minh, hiện đại...
Huyện Mê Linh được đánh giá có vị trí đặc biệt khi là địa phận hành chính gần sân bay Nội Bài với khoảng cách chỉ 8 km. Theo quy hoạch, huyện Mê Linh sẽ phát triển thành đô thị dịch vụ, hội nhập Quốc tế gắn với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Quốc gia, cửa ngõ của Thủ đô. Ảnh chụp từ Google Earth.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng huyện Mê Linh đang được chú trọng, đẩy mạnh đầu tư. Đầu tiên có thể kể đến là công trình đường Vành đai 4. Vành đai 4 , đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài hơn 11 km, chiếm tỉ lệ 19% đoạn tuyến của toàn thành phố Hà Nội, đi qua 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa.
Phần đường Vành đai 4 qua huyện Mê Linh đã lộ hình hài. Hàng loạt công nhân, máy móc, thiết bị được đưa đến địa điểm phục vụ triển khai công trình. Dự kiến, đến 31/12/2024, phần đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ hoàn thành.
Cầu Hồng Hà thuộc dự án đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, giúp kết nối huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh (Hà Nội). Công trình dự kiến khởi công vào tháng 10/2024 và hoàn thành sau 3 năm.
Cầu Hồng Hà được xem là một trong những mắt xích quan trọng thuộc tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội. Cầu Hồng Hà đưa vào hoạt động sẽ là một phần quan trọng giúp kết nối giao thông đi lại từ huyện Đan Phượng tới huyện Mê Linh, giảm tải mật độ giao thông qua lại trên cầu Thăng Long.
Địa bàn huyện Mê Linh có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua. Điểm đầu từ đầu phía Bắc cầu Thăng Long (thuộc huyện Đông Anh), trải dài qua thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) và kết thúc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đường đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông khu vực, góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế.
Trên đường Võ Văn Kiệt (thuộc Vành đai 3) có Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, Khu Công nghiệp Quang Minh I, II. Khu công nghiệp Quang Minh nằm ngay cạnh sân bay Quốc tế Nội Bài và cách trung tâm thủ đô khoảng 20 km; có tổng diện tích gần 345 ha, thu hút đông đảo nhà đầu tư. Từ năm 2002, khu công nghiệp Quang Minh bắt đầu đi vào hoạt động, hiện có 133 doanh nghiệp và 38.000 công nhân làm việc.
Ngoài ra, huyện còn có tuyến đường trục Mê Linh nối huyện Mê Linh với huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), tạo thuận tiện trong việc giao thương giữa các địa phương của Hà Nội và Vĩnh Phúc. Thời gian tới, huyện Mê Linh còn có các tuyến giao thông lớn đi qua như: đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường đê sông Hồng; tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 4, 7)…
Trên cơ sở hệ thống giao thông phát triển, có đường bộ, đường sắt, đường sông, gần Sân bay Quốc tế Nội Bài, huyện Mê Linh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hàng loạt các dự án bất động sản được đầu tư như: Cienco 5 Mê Linh, Diamond Park, HUD Mê Linh, Ceo Mê Linh, khu đô thị Tiền Phong Mê Linh, khu đô thị Hà Phong… Trong ảnh là Khu đô thị HUD Mê Linh, tọa lạc tại xã Thanh Lâm - Đại Thịnh, huyện Mê Linh. `
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mê Linh sẽ xây dựng, phát triển theo hướng là một phần của thành phố mới tương lai - Thành phố trong thành phố và quy hoạch huyện theo hướng lên thành quận sau năm 2025.