Công trình đường Vành đai 2 theo hình thức BT hoang hóa, ngổn ngang mấy năm qua.
Công trình lại trở thành điểm ngập nước, kẹt xe
Là dự án BT có mức đầu tư lớn nhất đang thực hiện, dự án ngăn triều chống ngập với số vốn 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam thực hiện đã tạm dừng thi công nhiều năm. Dự án nằm trên 6 quận/huyện với các công trình cống ngăn triều chống ngập được khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên tới nay, dự án vẫn “mắc kẹt” và chưa biết chính xác khi nào hoàn thành.
Hiện các cống ngăn triều đã được thi công khoảng 90% nhưng vì bỏ hoang mấy năm qua, công trình đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục. Thậm chí người dân ở quanh khu vực dự án thay vì thoát được cảnh ngập nước thì nay hiện trạng công trình lại trở thành điểm ùn tắc kẹt xe, ngập nước mỗi khi có mưa.
Được biết, từ đầu năm 2021 tới nay, nhiều dự án BT tại TPHCM gặp khó khăn về thủ tục. Theo đó, các dự án đã được địa phương ký kết với nhà đầu tư trước đó sẽ tiếp tục thực hiện với cơ chế đặc thù, có thêm các phụ lục hợp đồng để hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà dự án ngăn triều chống ngập tới nay vẫn chưa thể tiếp tục thi công trở lại dù có phụ lục và thậm chí cả Nghị quyết riêng của Chính phủ. Nhà đầu tư là Tập đoàn Trung Nam đã nhiều lần phản ánh về việc dự án bỏ hoang sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như hư hỏng máy móc, thiết bị công trình, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.
Chung cảnh ngộ là dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng tới nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1A) trên địa bàn TP Thủ Đức. Dự án dài khoảng 2,8km và có nguồn vốn gần 2.800 tỷ đồng, được khởi công năm 2017 với thời gian dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2020, dự án đã tạm dừng khi mới hoàn thành khoảng 45% khối lượng công trình. Việc dừng thi công khiến dự án chịu nhiều chi phí như tiền lãi vay ngân hàng, tiền nhân công, tiền thuê máy móc, nguyên vật liệu tăng giá... Hiện nay dự án theo hình thức BT này vẫn chưa thể tái thi công trở lại.
Cũng trong tình trạng dang dở là dự án đường song hành với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, dài 3,4km. Dự án được khởi công năm 2017 với nguồn vốn gần 870 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành 2 năm sau đó. Tuy nhiên, hiện tại dự án này mới chỉ hoàn thành khoảng 80% và việc thi công chỉ cầm chừng do vướng mắc về thủ tục pháp lý thanh toán đất cho chủ đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn một số dự án được ký kết với nhà đầu tư tư nhân thực hiện theo hình BT cũng đang trong tình trạng “trùm mền” nhiều năm như dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) hay đường nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước...
Tìm cách gỡ vướng
Thực tế không phải đến thời điểm này TPHCM mới gặp vấn đề với các dự án theo hình thức BT mà vài năm qua, các dự án bắt đầu gặp các vấn đề về pháp lý. Cùng với các dự án theo hình thức BOT, dự án BT không được khuyến khích thực hiện và nhiều nơi đã chuyển sang hình thức đầu tư công. Tại TPHCM, một số dự án dù được phê duyệt theo hình thức BT nhưng cũng buộc phải chuyển qua đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách như dự án cầu Bình Tiên (quận 6) với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng.
Với đặc thù và nhu cầu hạ tầng quá lớn, nguồn ngân sách không thể đáp ứng kịp thời khiến TPHCM vẫn muốn tiếp tục thực hiện các dự án theo hình thức BT cũng như nhanh chóng giải quyết các dự án dang dở.
Ông Hà Ngọc Trường - Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường cảng TPHCM cho rằng, việc huy động nguồn vốn xã hội cho các dự án hạ tầng thông qua hình thức công - tư nói chung và BT nói riêng là cần thiết. Theo ông Trường, nguồn vốn cho hạ tầng phía Nam rất lớn nhưng ngân sách giải ngân chỉ đáp ứng khoảng 20%. Vì vậy, thay vì cấm triển khai thì cần có cơ chế đặc thù và tính pháp lý minh bạch để tạo hành lang cho các nhà đầu tư tư nhân có thể thực hiện các dự án.
Một số ý kiến cho rằng việc gỡ vướng các dự án BT đang triển khai ở TPHCM không dễ dàng, cần sự chung tay của cơ quan có thẩm quyền với một hành lang pháp lý minh bạch nhằm tạo sự hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương.