Giữa diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhà đầu tư có nên gom hàng để chờ sóng?

Niềm tin vào sự bùng sóng trở lại của thị trường bất động sản đã khiến cho nhiều nhà đầu tư mạnh tay ôm hàng. Nhưng liệu đây có phải là chiến lược tốt, nhất là trong bối cảnh hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 được đánh giá với quy mô và diễn biến phức tạp. Đến nay, sau hơn 3 tháng bùng phát trở lại, diễn tiến của dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng khi số ca lây nhiễm gia tăng, có thời điểm lên tới hơn 1000 ca nhiễm mỗi ngày. Nhiều tỉnh thành buộc phải cách ly, bật chế độ cảnh báo khẩn cấp.

Dù chương trình tiêm vaccine đã được đẩy mạnh song nhiều quan ngại cho rằng, dịch bệnh sẽ có thể còn kéo dài với mức độ ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do quan trọng ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều nhà đầu tư.

Thực tế, trước đó, một khảo sát mini diễn ra với các nhà đầu tư thì cứ trung bình 10 người có tới 7 người nuôi dưỡng hy vọng sau dịch, thị trường bất động sản như chiếc lò xo nén bật tăng trở lại. Dòng tiền nhàn rỗi từ trong dân sẽ ồ ạt chảy vào thị trường. Cũng bởi quan điểm này mà giai đoạn đầu năm 2021, rất nhiều nhà đầu tư lên chiến lược gom hàng, chờ sóng bất động sản.

Một môi giới Đà Nẵng tiết lộ, thời điểm tháng 3, tháng 4/2021, ngay cả những nhà đầu tư miền Trung vốn "ăn chắc mặc bền" cũng mạnh tay xuống tiền vào nhiều lô đất để chờ sốt đất. Họ gom hàng vì giá hiện tại giảm từ 5-10%.

Giữa diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhà đầu tư có nên gom hàng để chờ sóng? - Ảnh 1.

Một môi giới đang tư vấn cho khách mua hàng.

Trong khi đó, ở phía Bắc, các thị trường như Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương các khu vực vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Láng-Hoà Lạc, Hoài Đức, Mê Linh ghi nhận cuộc săn đất âm thầm của các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư Hà Nội còn săn hàng ở các thị trường từng sốt nóng mạnh như Bắc Vân Phong, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tâm lý săn hàng đợi sốt đất của những nhà đầu tư là điều dễ hiểu. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, trước đó, thị trường bất động sản ghi nhận những lần sốt đất xảy ra sau mỗi khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây là lý do mà nhiều nhà đầu tư tin rằng, sóng bất động sản xuất hiện nếu dịch tiếp tục được kiểm soát.

Trong khi đó, ở góc độ một đơn vị phân phối dự án đất nền, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư đang gom hàng chờ sốt đất. Vì nhu cầu cao trong khi nguồn cung sản phẩm ít nên các dự án ra hàng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đều ghi nhận sớm hết hàng. "Một dự án ở Thanh Sơn (Phú Thọ) ngay trong ngày đầu tiên mở bán đã hết sạch giỏ hàng. Có nhiều khách hàng của tôi còn không thể mua được lô đất nào vì lượng mua lớn hơn lượng hàng sẵn có" – ông Thắng nói. Đưa ra dẫn chứng này, ông Thắng khẳng định về nhu cầu tìm hàng của các nhà đầu tư đang rất lớn.

"3 lần bùng phát dịch bệnh đều ghi nhận nhu cầu và lượng giao dịch tăng đột biến. Sóng bất động sản càng mạnh sau mỗi lần dịch kiểm soát. Thế nên, nhà đầu tư đều tin tưởng vào thời điểm tới thị trường sẽ có sóng" – ông Thắng nói.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch bệnh dự kiến có khả năng kéo dài, chiến lược bung hàng của các nhà đầu tư không thể diễn ra trong quý III và có thể kéo dài đến quý IV hoặc sang đầu năm 2022. Theo ông Vũ Trường Thắng, nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi mới nên ôm hàng. Tức là họ đang có khoản tiền tiết kiệm thì có thể chuyển số tiền đó vào đất. Vì nếu gửi tiết kiệm, lãi suất chỉ có 3-3,5% nhưng đầu tư vào đất, tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn.

"Nếu vay ngân hàng, nhà đầu tư xác định đòn bẩy tài chính chỉ chiếm 20% trong tổng số tiền vốn bỏ ra. Đó là con số an toàn nhất. Vì nếu vay ngân hàng lớn, thời điểm dịch bệnh như hiện nay, khi phải thanh toán lãi suất, nhà đầu tư rơi vào cảnh áp lực lớn. Nhà đầu tư cũng cẩn trọng với chương trình ưu đãi lãi suất 0% vì sau hết thời gian ân hạn nợ gốc, số tiền phải trả ngân hàng sẽ là gánh nặng. Tốt hơn hết, vốn tự có là giải pháp an toàn nhất thời điểm này" – ông Thắng nói.

Theo lời khuyên của TS. Đinh Thế Hiển, đây là thời điểm tốt để gom hàng vì có thể lựa chọn được sản phẩm với giá hợp lý. Nhưng TS. Hiển cũng nhấn mạnh rằng, nhà đầu tư phải có lượng vốn tự có tốt. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn công việc bấp bênh vì dịch bệnh thì sẽ là một bước đầu tư nhiều rủi ro.

Còn TS.Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cảnh báo rủi ro của nhà đầu tư đang kinh doanh. Ông cho rằng, họ nên trích lập khoản dự phòng cẩn thận vì không thể dự đoán trước được tình hình của thị trường bất động sản sắp tới. Dù vaccine đã được triển khai nhưng với biến thể mới, không ai dám khẳng định thời điểm dịch bệnh kết thúc.