Năm 2015, từ nghề thiết kế nội thất, anh Vũ Trường Thắng dần bén duyên với công việc môi giới bất động sản. Hơn 6 năm trôi qua, từ một môi giới bất động sản, đến hiện tại, anh Vũ Trường Thắng đã trở thành CEO của một công ty bất động sản, chuyên phân phối các dự án đất nền.
Theo anh Thắng, nghề môi giới vốn dĩ không phải là màu hường, là quần tây, áo sơ mi, đeo cà vạt là lượt đi gặp khách. Để trụ được với nghề môi giới, ngoài tình yêu, sự kiên trì, họ cần phải chấp nhận làm rất nhiều việc khác nhau như đi treo phướn, phát tờ rơi, chạy quảng cáo. Đây cũng là một nghề có tính cạnh tranh và đào thải lớn.
Dưới đây là những chia sẻ của anh Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing về nghề môi giới.
Ngề môi giới trong dịch Covid-19
Nghề môi giới bất động sản vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của rất nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau. Một nghề mang lại sự chủ động cho mỗi môi giới, mỗi một cá nhân giống như một doanh nghiệp phải tự kinh doanh, học hỏi trau dồi liên tục.
Môi giới bất động sản có nhiều cơ hội để kiếm tiền và rất rất nhiều tiền, có thể gặp được những khách hàng có vị trí cao trong xã hội, những người có nhiều kinh nghiệm kiếm tiền ở các lĩnh vực khác nhau. Nhờ đặc thù công việc, mối quan hệ của môi giới được mở rộng.
Về nhu cầu ra nhập thị trường môi giới hiện nay, thực tế, môi giới đang dần được trẻ hóa hơn. Có những môi giới mới bước vào nghề khi vừa mới ra trường thuộc thế hệ 1999 - 2000, với lợi thế là nhiệt tình, ham học hỏi và quyết tâm kiếm tiền cao. Tuy nhiên, điểm yếu là dễ bị dao động, tỷ lệ bỏ việc cũng cao.
Do tình hình Covid-19 bùng phát, nhiều lĩnh vực kinh doanh khác bị ảnh hưởng như: Du lịch, nhà hàng, hướng dẫn viên... Xu hướng chuyển dịch tìm kiếm một công việc mới sang một ngành nghề mới với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn xuất hiện. Trong khi đó, nghề môi giới bất động sản vẫn giao dịch tốt trong thời gian vừa qua. Dù dịch bệnh nhưng môi giới vẫn có thể tư vấn bán hàng online được.
Bên cạnh đó, làn sóng bất động sản thời gian vừa qua từ đầu năm đẩy nóng ở nhiều thị trường. Đặc biệt, sau mỗi đợt Covid bùng phát, cứ hết dịch, bất động sản lại như chiếc lò xo bị nén lại càng bung ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ở mỗi thị trường đó cũng xuất hiện các môi giới không chuyên, từ người bán trà đá, xe ôm, hay những người nông dân bất đắc dĩ cũng chỉ bán đất. Nhưng đây chỉ là một số ít bộ phận bán đất dân ở vùng nóng sốt, chứ không có nhiều chuyên môn về thị trường chung.
(Ảnh minh hoạ)
Cơ hội và thách thức
Môi giới hiện nay có nhiều cơ hội để phát triển. Họ được làm trong những công ty có bộ máy cơ cấu hành chính ổn định, với các dự án đầy đủ tính pháp lý. Trong khi đó, công cụ truyền thông marketing nhiều hơn trước. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều, lãi suất ngân hàng thấp, khách hàng tìm nơi trú ẩn dòng tiền và họ nghĩ tới bất động sản đầu tiên, nên quyết định mua hàng cũng nhanh hơn
Tuy nhiên, một số dòng sản phẩm trên thị trường hiện tại hơi khó cạnh tranh như bất động sản biển, condotel giảm giá. Bên cạnh đó, chi phí truyền thông quảng cáo tăng cao. Môi giới không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các môi giới và còn giữa các dự án cùng phân khúc.
Thị trường bất động sản đang nóng là cơ hội tốt của môi giới. Mặc dù đúng là trong thời điểm khó khăn dịch bệnh tràn lan, nghề môi giới bất động sản vẫn có những giao dịch là một điều rất may mắn. Tuy nhiên, để làm được và trụ được với nghề trong thời điểm này thì không phải môi giới nào cũng làm được.
Những giai đoạn mà một môi giới phải trải qua
Khi dấn thân vào nghề này chắc chắn môi giới sẽ trải qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Nhân viên mới vào nghề (trong 1 tuần - 1 tháng đầu tiên) tinh thần vẫn đang nhiệt huyết, đang mơ mộng về hoa hồng sẽ kiếm được để mua nhà, mua xe, đầu tư đất.
Giai đoạn 2: Nhân viên mới bắt đầu gặp những thử thách khó khăn: không tìm kiếm được khách hàng, gọi điện khách không nghe, khách từ chối mua, bị cắt máu, bị mất khách. Nhân viên cảm thấy mình năng lực yếu, bắt đầu xuất hiện tâm lý từ bỏ nghề.
Giai đoạn 3: Nhân viên dao động vì nghề. Một số ít sale sẽ bỏ việc khi ở giai đoạn này. Nhưng ai đã qua được giai đoạn đó khi họ kiên trì tiếp tục theo đuổi, tìm các phương án để nâng cao năng lực. Trên cơ sở đó, sự quyết tâm cũng tăng cao hơn.
Giai đoạn 4: Nhân viên môi giới trở thành chuyên gia bán hàng. Họ có năng lực và quyết tâm cao hơn. Đây là tiền đề để bắt đầu vào nghề này một cách chuyên nghiệp, chốt hàng đều tay hơn. Bởi vì đến giai đoạn này môi giới đã tích được kiến thức và số lượng khách hàng nhất định.
Thông thường, các bạn môi giới sẽ bỏ cuộc ở giai đoạn 2. Và những người vượt qua giai đoạn 2, bước sang giai đoạn 3 là rất ít.
Cách trụ vững với nghề
Trước tiên gia nhập nghề, môi giới phải chọn cho mình một dòng sản phẩm chủ lực để học và theo toàn lực với nó, ví dụ như: đất nền, dòng nghỉ dưỡng, chung cư, biệt thự... Khi làm như vậy, môi giới mới có thể tích lũy dần được tệp khách hàng của mình nhiều lên...
Thứ hai, môi giới cần xác định các câu hỏi: Dự án này đối tượng nào sẽ sử dụng? Với mục đích gì? Tại sao họ lại lựa chọn sản phẩm này mà không phải sản phẩm kia? Nhu cầu của đối tượng đó là gì? Dự án của mình có đáp ứng được các tiêu chí/nhu cầu của họ hay không? Dự án này bán cho ai? Họ mua để làm gì? Các thông tin về nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, ngành nghề...) Để mua dự án này cần có bao nhiêu tiền?
Thứ ba, môi giới cần khoanh vùng thị trường mục tiêu và tìm hiểu về nhu cầu, lối sống, sở thích, thói quen, thu nhập, vấn đề, nỗi đau...để tìm được "insight" của nhóm khách hàng mục tiêu này.
Thứ tư, lập bảng KPI mục tiêu tìm kiếm khách và và tỷ lệ chuyển đổi khách hàng.
Thứ năm, lập kế hoạch hành động và sử dụng các kênh để đạt được các chỉ số trên: telesales/Faceboook ads, Google Ads, Zalo, tờ rơi, phướn, trực dự án...
Thứ sáu, xây dựng một quy trình tư vấn, thực hành và dần tối ưu.
Thứ bẩy, kỷ luật, làm theo đúng quy trình và hoàn thành KPI.