Dĩ nhiên, điều này chỉ đúng với nhóm NĐT sở hữu nhà cho thuê (có thể tự khai thác hoặc cho nhóm một thuê lại). Theo ông Kiên, đây là nhóm đầu tư hướng ưu tiên về sự bền vững ổn định, vừa giữ tài sản lâu dài - vừa túc tắc có thu nhập đều hàng tháng vừa có cơ hội thu lợi từ tài sản tăng giá qua thời gian dài. Vì bản chất của nhóm này là sự bền vững ổn định nên khi dịch bệnh xảy ra trong một hai năm họ cũng không ảnh hưởng nhiều.
Còn riêng nhóm thuê nhà sỉ - cho thuê lẻ lại hay nhóm thuê đất - xây nhà - cho thuê lại thì sẽ gặp khó khăn nhiều trong lúc thị trường cho thuê biến động.
Nhà đầu tư này cho rằng, lợi nhuận chính của các NĐT sở hữu nhà cho thuê không nằm chính ở lợi tức cho thuê hàng năm mà việc tăng giá tài sản mới là lợi nhuận chính thức của các NĐT.
"Khác với căn hộ chung cư, nhà phố cho thuê có lợi thế là người sở hữu loại hình này, ngoài dòng tiền cho thuê 3-6%/năm còn kỳ vọng rất lớn vào tài sản tăng giá sau thời gian dài", ông Kiên nhấn mạnh.
Minh chứng cho nhận định này, ông Kiên dẫn chứng: Một căn nhà cấp 4 có diện tích 40m2, hẻm 4m tại Q.10, Tp.HCM, năm 2015 có giá 2.1 tỉ đồng, hiện tại là 5 tỉ; Nhà một trệt 4 lầu tại Q.Tân Phú diện tích 105m2, hẻm 5m giá năm 2014 là 3.6 tỉ đồng, giá hiện tại là 10 tỉ; nhà cấp 4 diện tích 98m2 tại Q.3 (hẻm 9m) giá hiện tại là 20 tỉ đồng/căn, trong khi năm 2015 là 9,8 tỉ, nghĩa là mặt bằng giá hơn gấp đôi sau 5 năm.
Tương tự, căn nhà 6 tầng tại Q.10 giá bán năm 2012 là 4.5 tỉ đồng, hiện tại tăng gần gấp 4 lần, giá là 15 tỉ đồng.
Căn nhà 144m2 (8x18), một trệt 2 lầu mặt tiền đường Bùi Thị Xuân (Q.1) giá năm 2012 là 18 tỉ, hiện đã tăng lên 58 tỉ đồng/căn. Nhà 64m2 kết cấu 1 trệt 2 lầu tại mặt tiền Cầu Xéo (Q.Tân Phú), giữa năm 2016 có giá 5 tỉ đồng, giá giao dịch hiện tại là 11 tỉ đồng…
Ngoài lợi nhuận cho thuê, NĐT nhà phố cho thuê còn kì vọng vào việc tăng giá của tài sản
Như vậy để thấy, nếu so với một số lĩnh vực khác thì thị trường nhà cho thuê vẫn chưa đến mức "bi đát" trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. NĐT vẫn có tài sản để đó tăng giá theo thời gian (thuộc nhóm NĐT sở hữu tài sản cho thuê). Mặc dù hiện tại giá thuê nhà đang có hiện tượng lao dốc, tỉ lệ phòng trống tăng lên, tuy nhiên, theo đa số các chuyên gia, hiện tượng này chỉ tạm thời ở thời ở bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khi mọi thứ ổn định phân khúc cho thuê sẽ tiếp tục đà phát triển.
Theo nhận định của đại diện Savills Việt Nam, đầu tư vào thị trường BĐS nhà ở cho thuê bao gồm các phân khúc như khu dân cư, không gian sống chia sẻ, ký túc xá cho sinh viên và viện dưỡng lão đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2019. Cơ hội lớn trong phân khúc này vẫn còn rất tiềm năng.
Các rào cản đối với quyền sở hữu nhà, các chuẩn mực văn hóa thay đổi và sản phẩm chất lượng tốt hơn đồng nghĩa với việc thuê nhà đã trở thành một lựa chọn đáng mơ ước hơn cho mọi nhóm tuổi. Các nền tảng quản lý xuyên biên giới lớn hơn không những giúp cải thiện trải nghiệm người dùng, mà sẽ còn mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Chia sẻ về triển vọng thị trường BĐS nói chung đến cuối năm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS nói chung. Theo đó, mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và các chương trình tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cần được nhanh chóng triển khai để nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường.
Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà còn các nhà đầu tư từ các địa phương khác cũng như quốc tế. Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng cũng các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.