Tăng tốc để thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 11/2021

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11-2009, có chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối với cao tốc Tp.HCM - Trung Lương và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nối vào dự án cầu Mỹ Thuận 2. Tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh khoảng 12.668 tỷ đồng.

Hiện tại, cao tốc này đã thi công đạt hơn 70% khối lượng toàn dự án, tuy nhiên hiện tại 2 gói thầu quan trọng nhất của dự án với 200 lao động bị phong tỏa do có liên quan đến dịch Covid-19. Chủ đầu tư đang nỗ lực để tuyến đường này không tiếp tục trễ hẹn thông xe - dự kiến vào tháng 11 năm nay.

Đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng cho biết, 2 gói thầu của dự án với 200 lao động bị phong tỏa, trong khi đó tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tuy nhiên, theo CĐT, tìm biện pháp để các gói thầu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn triển khai thi công 3 ca (cả ban đêm) nhằm đảm bảo kế hoạch. Bằng mọi giá đảm bảo tiến độ theo yêu cầu là phải hoàn thành thông xe kỹ thuật vào tháng 11/2021.

Nút thắt lớn nhất hiện nay khiến dự án thi công kiểu "cầm chừng" là do nguồn vật liệu khan hiếm. Để tháo gỡ nút thắt này, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chủ động cùng nhà thầu lên kế hoạch, báo cáo các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang làm việc với các địa phương liên quan để ưu tiên hỗ trợ cung cấp vật liệu cho công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ngoài ra, sau gần 2 năm lên kế hoạch, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thống nhất phương án thu phí toàn tuyến cao tốc từ Tp.HCM - Cần Thơ nên đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có phương án thu phí cũng như chưa xác định vị trí trạm thu phí trên tuyến chính.

Để có thể đạt được tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm khi thời gian chỉ còn 6 tháng, ban điều hành dự án đã bố trí chi tiết thật khoa học trong từng khâu, từng phần việc của mỗi gói thầu… Đồng thời, thực hiện "ba xuyên": xuyên tuyến - xuyên đêm - xuyên dịch, vì một mục tiêu cao nhất là thông xe kỹ thuật đúng hẹn.