Giá đất quê tăng “chóng mặt”, có trong tay 2 tỷ không mua nổi lô đất

Lúc rời quê đi lập nghiệp, cha mẹ bán đất cho con ít vốn. Đến khi con có của ăn của để, muốn tìm về quê mua mảnh đất, làm căn nhà để Tết nhất con cháu về lấy chỗ sum vầy thì giá đất ở quê tăng chóng mặt. Giá đất quê đâu có thua kém gì ở thành phố.

Chị Nguyễn Huệ (32 tuổi, quê Hưng Yên) làm việc ở Hà Nội gần chục năm cho biết: “Mỗi lần áp lực công việc, cuộc sống đắt đỏ ở thành thị, tôi lại muốn bỏ phố về quê. Thế nhưng, giờ khó thực hiện lắm, bởi ngoài việc khó tìm việc ở quê thì số tiền tích góp bao năm làm việc cũng không mua nổi lô đất ở quê”.

Bởi, hiện giá đất quê chị dao động 20-25 triệu đồng/m2, với lô đất 100m2 thì trị giá vào tầm 2-2,5 tỷ đồng. “Bao năm làm việc, vợ chồng tôi mới tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng. Giờ muốn về quê, ngoài tiền mua đất thì cũng cần có tiền làm nhà. Với số tiền tiết kiệm được, con đường bỏ phố về quê, nuôi cá trồng rau của tôi xa tít tắp”, chị Huệ kể.

Cũng gần giống câu chuyện của chị Huệ, anh Vũ Mạnh (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho hay: "Tôi cùng anh chị em, người ra Hà Nội, người vào TP.HCM lập nghiệp. Khi rời quê, bố mẹ có ít đất cát bán đi cho con làm vốn liếng lập nghiệp. Lúc ấy, quê nhà còn nghèo, tiền bán đất cũng chả được là bao.

Đến giờ, con cái có của ăn của để, muốn tìm về quê mua mảnh đất, làm căn nhà để Tết nhất con cháu về lấy chỗ sum vầy. Thế nhưng, giá đất ở quê giờ đâu có thua kém gì ở thành phố. Tầm 2 năm trở lại đây, giá đã tăng tới 3-4 lần, tôi chẳng thể mua nổi".

Không có ý định mua đất ở quê để sinh sống, thế nhưng, chị Khánh My (Hoài Đức, Hà Nội) cũng tiếc hùi hụi vì cách đây hơn 1 năm chị đã không xuống tiền mua mảnh đất của người quen ở quê cần bán để lấy vốn làm ăn.

Thời điểm đó, mảnh đất được rao bán hơn 1 tỷ đồng, diện tích gần 50 m2. Khi đó, chị My đang đầu tư đất nền tại các dự án ở Bắc Ninh, Quảng Ninh… Nghĩ rằng đầu tư đất thổ cư ở quê không ăn thua bằng những khu vực đang có quy hoạch, thị trường sôi động, nên chị My đã từ chối.

Đợt Tết về quê, chị My được biết mảnh đất trong ngõ đó đã được giao dịch với giá 2 tỷ đồng. "Mình không nghĩ đất quê lại có thể tăng giá đến mức như vậy. Nếu biết giá tăng như hiện nay thì mình thu vốn các chỗ khác để đầu tư ngay ở quê rồi", chị My tiếc nuối.

Ghi nhận thị trường của Hội môi giới Bất động sản cho thấy, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng ven đã làm cho đất đai sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Theo đó, có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài triệu nay đã lên mức vài chục triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định năm 2022 sẽ không tái diễn các cơn sốt đất bởi thông tin quy hoạch lớn đều đã công bố, các địa phương đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát, ngăn chặn các cơn sốt đất. Mặc dù thế, ngay đầu năm 2022, cơn sốt đất vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương như vùng ven Hà Nội, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Long An…

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cũng nhận định, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận.

Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là giá của bất động sản ở nội thành đã được thiết lập mức cao. Do đó, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn khiến nhà đầu tư tìm cơ hội ở những quận, huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Nhìn nhận về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản cho rằng, các cơn sốt đất diễn ra chủ yếu là "sốt qua miệng cò", tức do giới "cò đất" làm giá, sử dụng các chiêu trò để đẩy giá đất lên cao song giao dịch thực tế lại không đáng kể.

Tuy vậy, ông Đính cũng cho rằng những cơn sốt đất dù thật hay ảo cũng đều dẫn đến việc giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít có nhu cầu ở thực không thể mua nổi đất.

#/gia-dat-que-tang-chong-mat-co-trong-tay-2-ty-khong-mua-noi-lo-dat-20220308174143641.chn