Giá chung cư Hà Nội "sốt nóng" do lãi suất tiết kiệm "xuống đáy", nguồn cung ít nhất trong vòng 1 thập kỷ

Trong suốt giai đoạn 5 năm 2017-2022, giá chung cư gần như không tăng giá hoặc tăng rất chậm, tuy nhiên từ giữa năm 2023 sang đầu năm 2024, phân khúc nhà chung cư lên cơn sốt. Giá chung cư tăng mạnh được các chuyên gia lý giải là do nguồn cung khan hiếm, cùng lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục đã đẩy cầu vượt cung.

Dữ liệu thống kê mới nhất của chuyên trang Batdongsan cho thấy giá rao bán chung cư tại Hà Nội hiện đã tiệm cận với TP.HCM. Cụ thể, vào quý I/2024, giá trung bình chung cư ở Hà Nội đạt mức 46 triệu đồng/m2, trong khi ở TP.HCM là 48 triệu đồng/m2.

Nhìn lại bức tranh 6 năm qua, tốc độ tăng giá trung bình của chung cư Hà Nội lên đến 70%, vượt mức 55% của TP.HCM. Riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, giá chung cư tại TP.HCM tăng rất chậm trong khi giá chung cư Hà Nội tăng vọt.

Đánh giá về đà tăng giá của phân khúc căn hộ Hà Nội, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết giá chung cư ở Hà Nội tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay là do trong một thời gian dài, thị trường Việt Nam nói chung và thị trường Hà Nội nói riêng bị thiếu nguồn cung, đặc biệt nguồn cung dành cho nhu cầu ở thực (bình dân, trung cấp, tiệm cận giữa trung cấp và cao cấp).

Đại diện CBRE cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hoá cao khi lượng người về Hà Nội học và làm việc gia tăng. Trong khi đó, nguồn cung và thị trường đang rất là thấp. Riêng năm 2023, tổng nguồn cung chào bán mới tại thị trường Hà Nội khoảng 10.000 căn, bằng 1/4 so với thời điểm bình thường.

"Sở dĩ đầu năm nay, giá chung cư Hà Nội "sốt nóng" bởi lãi suất tiết kiệm "xuống đáy", dòng tiền chuyển sang bất động sản, đặc biệt phân khúc chung cư", bà Dung cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, trong năm 2024, giá căn hộ chung cư sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung căn hộ vẫn khan hiếm trên thị trường. Nguồn cung này tỷ lệ nghịch với nguồn cầu đang đi lên cùng quá trình đô thị hóa của các thành phố lớn như Hà Nội.

Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang là khoảng 51%, đồng nghĩa mỗi năm Hà Nội cần khoảng 70.000 căn hộ để giải bài toán nhà ở cho người lao động. Nhưng thực tế, cung đổ ra thị trường quá khiêm tốn so với con số nguồn cầu ước lượng khiến giá nhà chung cư liên tục thiết lập mặt bằng mới.

Ở cương vị chủ đầu tư dự án bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest cũng cho rằng, giá chung cư tại Hà Nội tăng thời gian qua xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm, nguyên nhân hiện nay các dự án đều ách tắc về vấn đề pháp lý. Ông Hiệp cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ có 30 dự án ra hàng, so với tốc độ trước đó là rất ít, thậm chí ngay cả TP. HCM chỉ có 1 dự án được phê duyệt.

"Việc phân khúc căn hộ chung cư tăng giá vùn vụt là do thời gian gần đây còn là do pháp lý tắc nghẽn khiến nguồn cung khan hiếm, trong khi lực cầu của thị trường tăng mạnh. Mặt khác, đà tăng còn được cộng hưởng bởi sự leo thang về giá cả của các yếu tố cấu thành nên giá trị bất động sản là các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu...", ông Hiệp cho biết.

Đưa ra giải pháp hạ nhiệt giá chung cư, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh phê duyệt các dự án mới, để tăng nguồn cung.

“Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để có dự án ra hàng. Bên cạnh chú trọng phát triển các nhà ở xã hội, cần ưu tiên các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Chỉ cần có vài nghìn căn nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ đẩy vào thị trường, lập tức giá chung cư sẽ hạ nhiệt ngay”, ông Đính nói.