Nội dung chính:
- Quanh khu đô thị Tây Hồ Tây, một loạt ông lớn ngành bán lẻ trong và ngoài nước đã, đang và sẽ gia nhập thị trường với các dự án lớn.
- Việc nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cho thấy bán lẻ vẫn là một miếng bánh hấp dẫn, bất chấp nhiều dự báo cho rằng thị trường này đang gặp khó.
- Sự nhập cuộc của nhiều ông lớn mảng bán lẻ đã góp phần tăng tiện ích khu vực Tây Hồ Tây, qua đó đẩy giá bất động sản tăng cao trong 5 năm qua.
Mới đây, Đại Quang Minh - một công ty thành viên của Thaco - được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm tại ô đất B1-CC1-2 trong Khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây là khu đất rộng 2,4 ha, giá trị dự án theo chứng nhận đầu tư là 554 tỷ đồng.
Với việc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án, Thaco dự kiến xây dựng đại siêu thị Emart thứ 4 tại khu vực này, tiến tới mở rộng hệ thống Emart lên 10 đại siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025.
Emart là hệ thống Đại siêu thị tại Hàn Quốc, giữ vị trí nổi bật nhất trong mảng bán lẻ của Shinsegae - Tập đoàn kinh doanh đa ngành tại Hàn Quốc với quy mô toàn cầu. Emart gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2022 sau khi Thaco hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. tại Việt Nam.
Một loạt “ông lớn” bán lẻ nhập cuộc
Tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Takashimaya cũng đã mua lại một lô đất từ chủ đầu tư năm 2019 và lên kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2025-2027. Dự án được triển khai trên quỹ đất rộng hơn 1,7 ha.
Hồi tháng 9, Lotte Mall West Lake Hanoi - tổ hợp trung tâm thương mại có tổng diện tích sàn 354.000 m2, nằm cách khu đô thị Tây Hồ Tây khoảng 2km - cũng vừa khai trương. Việc trung tâm thương mại này đi vào hoạt động đã đẩy giá bất động sản các khu vực lân cận, trong đó có các dự án tại Tây Hồ Tây, tăng cao.
Cũng nằm trong bán kính 2km từ khu đô thị Tây Hồ Tây, MM Mega Martket Thăng Long - thương hiệu chiến lược thuộc tập đoàn đa quốc gia BJC/TCC (Thái Lan) - hiện là một lựa chọn mua sắm của nhiều người dân. Trung tâm MM Mega Market Thăng Long có diện tích gần 4 ha, trong đó khu vực thương mại rộng khoảng 1,1 ha, còn lại là khu vực để xe, đường giao thông và khu vực phụ trợ. Với quy mô lớn, giao thông thuận tiện, có khu vực đỗ xe miễn phí, cung cấp đa dạng mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, trung tâm mua sắm này có tệp khách hàng đông đảo trong khu vực.
Ngay cạnh đó, Vincom Plaza Bắc Từ Liêm thuộc khu đô thị Thành Phố Giao Lưu cũng là một trung tâm mua sắm lớn được đầu tư bởi Vincom Retail. Trung tâm thương mại này có diện tích 27.000 m2, chia thành các phân khu chính gồm khu mua sắm và dịch vụ quy mô lớn; chuỗi siêu thị tiêu dùng, điện máy; quần thể vui chơi giải trí và ẩm thực.
Một siêu thị lớn khác cách khu đô thị Tây Hồ Tây chừng 2km khác là WinMart Thăng Long. Siêu thị này nằm trong nhóm các siêu thị lớn nhất thuộc hệ thống WinCommerce với diện tích kinh doanh 2.120 m2. Winmart Thăng Long cung cấp đa dạng các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, văn phòng phẩm, trải nghiệm ăn uống…
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ được cho là đang gặp khó khi thương mại điện tử lên ngôi, sức tiêu thụ giảm, việc một loạt ông lớn trong và ngoài nước tập trung tại một khu vực cho thấy thị trường này vẫn là miếng bánh hấp dẫn.
Giá bất động sản “ăn theo” tiện ích
Không phải ngẫu nhiên Thaco hay Takashimaya chọn khu Tây Hồ Tây làm nơi đầu tư các đại siêu thị khi quanh khu vực này vốn đã có nhiều ông lớn khác đang hoạt động.
Khu đô thị Tây Hồ Tây được biết đến như một trung tâm hành chính mới của Hà Nội, là nơi tập trung của nhiều cơ quan hành chính cấp bộ. Một loạt các dự án chung cư, nhà thấp tầng thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai. Khu vực này cũng thuận tiện kết nối với các trục đường lớn như Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên…
Ở chiều ngược lại, việc các đại siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên cũng khiến thị trường bất động khu vực này trở nên nhộn nhịp.
Hiện tại, giá chung cư, nhà ở thấp tầng thuộc khu vực này đều nằm trong nhóm đắt đỏ ở Hà Nội.
Năm 2022, khu thấp tầng thuộc dự án Starlake giai đoạn 2 được tung ra thị trường với giá thấp nhất khoảng 350 triệu đồng/m2. Đây là mức giá hiếm tại Hà Nội, thậm chí với loại hình shophouse, giá bán cao nhất neo ở mức 500 triệu đồng/m2 - mức cao kỷ lục tại Hà Nội.
Chung cư Starlake cũng đang được giao dịch tại thị trường thứ cấp với mức giá trung bình khoảng 90tr/m2. Một loạt các dự án cạnh đó như 6th Element, N01 T1 (Lạc Hồng Lotus) hay Phú Mỹ Complex… cũng liên tục tăng giá, trung bình khoảng 15% mỗi năm.
Hay một dự án mới mở bán khác là N01 - T6, N01 -T7 cũng đang được giao dịch quanh mức 80 triệu đồng/m2…
Vẫn cần thận trọng khi đầu tư
Theo Thanh Hùng, môi giới bất động sản khu Tây Hồ Tây, hạ tầng bài bản và việc nhiều trung tâm hành chính, thương mại sắp triển khai tại khu đô thị này trở thành đòn bẩy cho giá bất động sản tại đây. Một loạt các dự án giáp ranh khu đô thị này cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của khu Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, môi giới này cho rằng người mua cần cẩn trọng khi giao dịch tại một số dự án giáp ranh bởi hiện tại một lượng lớn căn hộ chung cư vẫn chưa được cấp sổ hồng do vướng pháp lý.
“Một số dự án giáp ranh khu đô thị Tây Hồ Tây vẫn chưa có sổ hồng sau nhiều năm đi vào hoạt động. Loại hình nhà ở có rủi ro về pháp lý chưa bao giờ là lựa chọn tốt với nhà đầu tư hay người mua ở thực”, môi giới này nói.
VnExpress mới đây cũng dẫn lời bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho rằng mặt bằng giá bất động sản của khu vực Tây Hồ Tây được hưởng lợi từ tốc độ phát triển hạ tầng, thông tin quy hoạch và các tiện ích. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý các chủ đầu tư nên có đánh giá khách quan về các lợi thế của dự án sắp ra mắt để có sự đầu tư đúng mức và giá bán phù hợp trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn khó khăn về thanh khoản. Còn ở góc độ người bán thứ cấp, muốn giao dịch thành công cũng cần cân nhắc điều chỉnh giá hợp lý khi có khách thiện chí.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá trong khoảng 5 năm qua, nhiều phân khúc như chung cư, biệt thự, shophouse tại khu đô thị Tây Hồ Tây đây neo giá ở mức cao nhờ sự đầu tư về hạ tầng và quy hoạch.
Ông Thanh cho rằng cùng với sự hoàn chỉnh hơn về hạ tầng giao thông, tiện ích, quy hoạch, bất động sản khu vực này còn tiềm năng phát triển trong 5-10 năm tới. Tuy nhiên, ngoài nhóm khách hàng ở thực, theo ông, khu vực này chỉ dành cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, vốn lớn, đầu tư theo chiều sâu.