Động thái khó hiểu của giới đầu tư địa ốc sau Tết

Bên cạnh các nhà đầu tư gấp rút “săn hàng” thì cũng có lượng nhà đầu tư tìm cách thoát hàng sau Tết.

Anh Th, nhà đầu tư đất nền lâu năm cùng nhóm bạn vẫn âm thâm săn đất để có nguồn hàng bán trước quý 1/2022. Những mảnh đất nông nghiệp có mức giá trên dưới 1 tỉ đồng/sào được mua vào và bán ra. Trước Tết, anh Th mua được một số mảnh và ra hàng cùng thời điểm. Sau Tết, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm và mua vào. Theo nhà đầu tư này, cơ hội đầu tư đất nền vẫn còn nhiều, quan trọng là biết nắm thời điểm ra hàng để có lợi nhuận.

Trường hợp như anh Th không hiếm trên thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại. Sau Tết, nhiều nhóm NĐT vẫn liên tục tìm kiếm nguồn hàng để ra hàng. Đa phần là nhóm NĐT có tài chính mạnh, có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Họ cũng chính là đối tượng ngay trong những ngày cận Tết Nguyên đán , vẫn tìm mua BĐS, mà theo cách họ nói là mua BĐS dịp Tết có nhiều lợi thế hơn về giá lẫn sự lựa chọn.

Trước Tết cũng là thời điểm có hiện tượng NĐT rút ra một phần ở tài khoản chứng khoán để tìm kiếm cơ hội với BĐS để tái đầu tư, và động thái này vẫn tiếp diễn sau thời điểm Tết. NĐT tìm đến các sản phẩm BĐS có thanh khoản tốt, tính an toàn cao (chẳng hạn có pháp lý đầy đủ, hoặc dự án của chủ đầu tư uy tín, đầu tư hạ tầng tiện ích đồng bộ…) được nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn nhiều hơn.

Ghi nhận cho thấy, phân khúc BĐS mà giới đầu tư địa ốc vẫn ưa chuộng trong năm nay có thể kể đến đất nền. Dù không còn đa dạng sự lựa chọn như trước đây nhưng loại hình này vẫn được NĐT "săn lùng" để sở hữu. Những BĐS đất nền tại khu vực ven Tp.HCM, Hà Nội, hoặc tỉnh lân cận 2 thành phố lớn này vẫn được mua bán. Đặc biệt, tại một số khu vực có thông tin tốt về hạ tầng, giao thông, quy hoạch…giới đầu tư địa ốc vẫn "đổ tiền" vào để chờ cơ hội tốt trong tương lai.

Động thái khó hiểu của giới đầu tư địa ốc sau Tết - Ảnh 1.

Một điểm tích cực dễ nhận thấy trên thị trường địa ốc trong thời gian gần đây là bắt đầu có một bộ phận các NĐT mới, là những đối tượng có tài sản tích lũy từ việc tự kinh doanh, hoặc hưu trí cũng tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư BĐS, bên cạnh các NĐT chuyên nghiệp vẫn tìm kiếm BĐS tốt để mua vào.

Có một điều dễ nhận thấy trong tâm lý của giới đầu tư địa ốc trên thị trường BĐS là xu hướng đầu tư ngắn hạn dường như đã bị thay thế khá rõ nét. Đa số NĐT tham gia thị trường từ thời điểm năm 2020 đến nay đều xác định đầu tư trung, dài hạn. Ngay cả những NĐT mới tham gia thị trường cũng có động thái này, vốn là lớp đầu tư thích lướt sóng từ trước đến nay. Đây cũng được xem là động thái vào thị trường khá "lạ" của NĐT BĐS so với thời điểm cách đây một vài năm.

Tuy vậy, nhìn ngó thị trường thì vẫn xuất hiện nhóm NĐT ưa "lướt sóng". Họ nắm được sóng thị trường khu vực, chỉ vào một khoảng thời gian ngắn và rút vốn. Đa phần họ là những NĐT có kinh nghiệm, có kỹ năng và tài chính vững.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư nhắm đến vì tương đối an toàn so với một số kênh khác như chứng khoán. Kết hợp với tâm lý xem BĐS là loại hình tài sản có thể "cất đi", "để qua một bên" mà không hề hấn gì theo thời gian, bên cạnh lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp, có thể đánh giá rằng thị trường nhà đất sẽ tiếp tục với nhiều diễn biến sôi nổi, mặc dù có thể không quá "náo nhiệt" như trong các đợt sốt đất vừa rồi. Trong đó, tâm lý của nhà đầu tư BĐS bắt đầu ổn định, thậm chí háo hức khi vắc- xin đang tích cực được phủ rộng.

Còn theo chuyên gia Mai Đức Toàn, nhiều nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn khi vào thị trường sau khi trải qua nhiều cơn sốt đất. Không thể phủ nhận, BĐS luôn là lựa chọn hàng đầu của người Việt so với các kênh đầu tư như vàng, tiền ảo, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Do đó, sẽ không có chuyện NĐT ngần ngại "găm tiền" vào BĐS.

Vị chuyên gia này cũng đưa lời khuyên với NĐT, giữa lúc thị trường đang nhiều biến động khó lường, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là triệt tiêu hình thức đầu tư lướt sóng. Nếu tính toán đúng, nhà đầu tư vẫn có thể "đánh nhanh, thắng nhanh" song tỷ lệ lướt sóng thành công sẽ thấp hơn những năm trước.

Bên cạnh các nhà đầu tư háo hức đi săn BĐS thì cũng có những nhà đầu tư âm thầm ra hàng sau Tết theo kiểu "bán gấp", cần dòng tiền. Mua mảnh đất 3.000m2 tại một tỉnh lân cận Sài Gòn, anh M tính bán trước Tết nhưng chưa bán được. Do cần dòng tiền gấp để góp vốn với anh em mua mảnh đất ngon hơn, anh M rao bán mảnh đất kia với mức giá chênh không đáng kể so với giá mua vào nhưng hiện tại cũng chưa bán được. Theo anh M, do mảnh đất anh mua không được đẹp, vị trí lại xa đường lớn nên có thể đó là nguyên nhân anh khó ra hàng, mặc dù ban đầu xác định là chỉ "lướt sóng" trong Tết.

Hiện tượng "xả hàng" đầu năm cũng diễn ra ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi mà lợi nhuận họ kì vọng ở mức khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng. Theo một chuyên gia trong ngành, đa phần họ là những NĐT có dòng vốn yếu khi vào thị trường, gần như chỉ chăm chăm "lướt sóng" kiếm chút đỉnh.

Cũng có nhà đầu tư khi đã đạt đến lợi nhuận của sản phẩm mua vào và muốn rút ra để tìm kiếm sản phẩm "ngon" hơn. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, không phải sản phẩm nào NĐT cũng đẩy hàng ra được nhanh; tuỳ vào "sóng" của thị trường. Có nhà đầu tư sau khi nắm giữ tài sản khoảng 2-3 năm, canh thời điểm sau Tết – thường là lúc thị trường sôi động để ra hàng. Đây cũng thường là BĐS có mức tăng giá có thể không đạt như kì vọng của nhà đầu tư, cho nên họ muốn rút dòng tiền để bỏ vào những cơ hội tốt hơn.

#/dong-thai-kho-hieu-cua-gioi-dau-tu-dia-oc-sau-tet-20220214074351805.chn