UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.
Theo biên bản ghi nhớ được ký kết 2 bên, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý đề xuất của IPPG về việc tài trợ 5 triệu USD chi phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển Khu kinh tế Vân Phong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Đồng thời, lập và thẩm định phê duyệt nhiệm vụ, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong; tham gia cùng với các cơ quan xây dựng đề án xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu vực này. IPPG cũng sẽ hỗ trợ Khánh Hòa trong quá trình thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong trong giai đoạn mới.
Trao đổi với Đất Việt, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, việc doanh nghiệp đứng ra tài trợ cho địa phương lập quy hoạch như trên là một điều tốt, trong bối cảnh ngân sách địa phương hạn hẹp. Đặc biệt, hơn ai hết, doanh nghiệp nhìn thấy rõ những ưu điểm, thế mạnh của khu vực cần quy hoạch, từ đó quy hoạch phù hợp, giúp thu hút được các nhà đầu tư hơn.
Cũng theo ông Cương, việc doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch không có gì lạ, bởi trước nay, ở Việt Nam, dù công tác quy hoạch do Nhà nước phụ trách và toàn quyền thẩm định, phê duyệt, song việc lập quy hoạch không bị ràng buộc hay độc quyền bởi Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể tham gia vào việc lập quy hoạch chiến lược.
Trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài được thuê lập quy hoạch, họ vẫn cần có một đối tác trong nước, hỗ trợ cung cấp thông tin dữ liệu hoặc kết nối các mối quan hệ, lấy ý kiến...
"Tất nhiên, khi làm quy hoạch như vậy họ phải biết các thông tin, nhưng thường quy hoạch chỉ khoanh vùng, cần các thông tin cơ bản nên không có gì ngại. Còn vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh lại là chuyện khác và phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam", TS.KTS Võ Kim Cương nói.
UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất thực hiện xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc khu kinh tế Vân Phong.
Thông thường, các tổ chức tài chính, quốc gia cho Việt Nam vay vốn ODA không hoàn lại cũng không phải cho không mà luôn có điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, khi một quốc gia viện trợ cho dự án nào đó ở Việt Nam, họ vẫn yêu cầu công ty của quốc gia đó phải được tham gia đấu thầu hay được ưu tiên...Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM thừa nhận có những lo ngại về việc doanh nghiệp có thể thiếu khách quan hay cài cắm lợi ích riêng khi làm quy hoạch. Tuy nhiên, ông cũng tự tin khẳng định Việt Nam có luật pháp và có nghệ thuật quản lý để kiểm soát việc này.
"Với doanh nghiệp tài trợ chi phí để lập quy hoạch, hẳn cũng phải có sự "đối ứng" nào đó có lợi cho họ, chí ít là trong quá trình đó họ sẽ nắm được thông tin thuận lợi cho việc đầu tư của họ hơn các đối tác khác vào khu vực quy hoạch.
Những chuyện hết sức bình thường, không có gì đáng ngại. Trong khi chúng ta đang thiếu tiền, chưa thành công trong kêu gọi, thu hút đầu tư mà có doanh nghiệp tài trợ tiền, vừa giúp địa phương kêu gọi đầu tư thì tội gì không làm", TS.KTS Võ Kim Cương bày tỏ quan điểm.
Cũng từ đây, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM chỉ ra thực tế, xét về tài năng, trong nước có rất nhiều người giỏi nhưng kinh phí để lập quy hoạch lại luôn luôn thiếu và thấp hơn rất nhiều só với số tiền mà nước ngoài bỏ ra để lập quy hoạch. Khi kinh phí không đủ thì khó đủ sức để quy hoạch cho "ra hồn". Chưa kể, nhiều khi do thiếu thông tin, kinh nghiệm, tầm nhìn... nên quy hoạch khó tạo ra được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Trường hợp của Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) là một ví dụ. Đây là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Việt Nam và cũng là dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư đến từ Đài Loan và Hongkong (Trung Quốc) có kinh nghiệm đầu tư vào Trung Quốc đại lục trong giai đoạn mở cửa, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch, tập trung sang nền kinh tế thị trường nên hiểu rõ con đường đi của kinh tế Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Họ quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng, biến khu đầm lầy thành một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu.
Tuy nhiên, cũng đất có vị thế đẹp như vậy, song khu An Phú, An Khánh ở quận 2, TP.HCM là do phía Việt Nam tự làm lại không thể hình thành được khu đô thị như mong muốn.
Cho nên, KTS Võ Kim Cương nhấn mạnh, "nếu có tiền thuê được nhà tư vấn, quy hoạch giỏi thì khả năng hấp dẫn đầu tư sẽ tốt hơn".
Trở lại với việc doanh nghiệp tài trợ chi phí lập quy hoạch, vị chuyên gia lưu ý đến vấn đề hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với địa phương. Nếu đơn vị lập quy hoạch và địa phương công tâm, vì sự phát triển của tỉnh nhà thì sẽ có một hợp đồng khác, ngược lại, nếu vụ lợi, có lợi ích nhóm ở trong đó thì sẽ lại là một hợp đồng khác.
"Phải công khai, minh bạch để doanh nghiệp bên ngoài có làm cũng không chệch đi được đường hướng phát triển của địa phương. Và một yếu tố khác để đảm bảo sự khách quan chính là sự quản lý của địa phương, những ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng", TS.KTS Võ Kim Cương nói.