Doanh nghiệp môi giới phía Nam cần gấp ‘oxy’

Theo một khảo sát mới nhất từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, có tới gần 30% sàn môi giới BĐS giải thể, hơn 80% sàn không có doanh thu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó nặng nhất là các DN phía Nam. Lãnh đạo các DN môi giới BĐS cho biết họ đã “kiệt quệ” và cần “oxy” gấp để tồn tại.

Kiệt quệ

4 tháng nay, Sàn giao dịch bất động sản 149 Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM do ông Đỗ Thành Trung làm giám đốc phải đóng cửa không hoạt động. Ông Trung cho biết, DN mình đầu năm 2021 đã tuyển số lượng nhân viên môi giới lên tới gần 100 người để chuẩn bị cho những đợt bán hàng ở các dự án mới sẽ ký hợp đồng phân phối chính ở các tỉnh Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi tháng ngoài chi trả các khoản tiền điện, nước, tiền thuê văn phòng, tiền lương cứng cho nhân viên môi giới đã ngốn của ông khoảng 400 triệu.

“Thế nhưng, chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng được trong khoảng 3 tháng đầu năm, tới đầu tháng 4 thì bị đứng hoàn toàn. Hiện nay, dù dịch bệnh, không hoạt động nhưng chúng tôi vẫn phải chi trả các khoản tiền như trên khiến DN lao đao”, ông Trung nói.

Cũng trong tình trạng như ông Trung, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Đồng Nai cho biết, tháng 3/2021, khi mới thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ TP.HCM về Đồng Nai để hoạt động, DN của ông đã tiến hành tuyển nhân viên môi giới và ký kết lấy sản phẩm từ các chủ đầu tư về bán. Thế nhưng sau khi kỹ kết và đặt cọc ký quỹ bán hàng thì dịch COVID bùng phát, DN ông Dũng phải dừng kinh doanh. Để có thể tồn tại, ông Dũng xoay trục chuyển hướng... nhập rau xanh về bán cho người dân để cầm cự.

“Bước vào đầu năm 2021, nhiều dự báo cho thấy dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt và nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Vậy là những DN môi giới như cúng tôi đã không ngại ngần phát triển nhân sự, lấy hàng về bán…. Thế rồi vì thời gian khiểm soát dịch bệnh khéo dài, cộng thêm các hoạt động đóng cửa được các địa phương đưa ra đã kiến các DN như chúng tôi đứng trước bờ vực phá sản”, ông Dũng nói.

Không chỉ những DN nhỏ gặp khó khăn, DN với hơn 1.000 môi giới bất động sản tại TP.HCM mang tên T.L cũng đang trong cảnh khó khăn bủa vây. Trước khi dịch bùng phát DN này đã nhanh chân áp dụng công nghệp online để bán hàng. Tuy nhiên, một lãnh đạo của DN khi trao đổi với phóng viên đành phải công nhận rằng, bán hàng qua công nghệ App hay các buổi Livestream cũng không hiệu quả, bởi bất động sản là một mặt hàng không thể bán online, bởi khách hàng khi mua cần xem vị trí dự án, pháp lý, cũng như thực tế dự án trước khi xuống tiền mua hàng.

“Chúng tôi dù là một DN môi giới lớn, thuộc nhóm có của ăn của để, nhưng tới nay khi gần 7 tháng kinh doanh không hiệu quả, thậm chí từ tháng 4 tới nay không bán được sản phẩm nào mà vẫn phải chi trả các khoản tiền như lương, thuế, tiền mặt bằng… dẫn tới đã không còn đủ lực để tồn tại nếu kéo dài câu chuyện đóng cửa thành phố thêm 1 tháng nữa”, vị lãnh đạo DN môi giới T.L cho biết.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn bất động sản Trần Anh Group, đơn vị có tới gần 20 sàn giao dịch bất động sản với hàng ngàn nhân viên môi giới cho rằng, thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM, làm DN buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, với các DN bất động sản, đặc thù là giao dịch trực tiếp do các yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý và giá trị sản phẩm cao. Chính vì vậy việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch ở các địa phương mà tình hình ngưng trệ này có thể một phần hay hoàn toàn.

Ông Vinh liệt kê 4 khó khăn chính mà DN môi giới đang đối mặt.

Thứ nhất là kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng.

“Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn, do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay DN đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản,” ông Vinh nói.

Thêm khó khăn nữa mà ông Vinh cho biết là các sự kiện bán hàng bị tạm dừng. Trong khi đó hình thức bán hàng truyền thống của các DN bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng là chính. Nhiều DN bất động sản đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Tuy nhiên thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản khiến hình thức giao dịch mới này chưa mang lại hiệu quả.

Khó khăn thứ ba với các chủ đầu tư dự án bất động sản là kế hoạch triển khai thi công xây dựng bị đình trệ, hầu hết tiến độ các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng. Giá cả vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường.

Khó khăn thứ tư, là áp lực về dòng tiền và khả năng trả nợ vay. Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Tỷ trọng nguồn vốn vay tùy thuộc vào quy mô dự án và năng lực tài chính của DN.

Thêm nữa các chủ đầu tư dự án còn chịu áp lực về chi phí duy trì hoạt động. Thường chủ đầu tư có nguồn lực dự phòng khá dài hơi do lộ trình triển khai các dự án khá dài hạn. Nhưng với tình trạng doanh thu bị giảm sút thì bài toán duy trì hoạt động sẽ gặp khó khăn. Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương từ 20-30%, là giải pháp tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của mình…

Cần gấp "oxy"

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng, các DN môi giới đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì không hoạt động mà dòng tiền vẫn phải chi ra nhưng nguồn thu thì lại không có. Chính vì chỉ có chi mà không có thu sẽ kiến DN đối mặt với mất cân bằng tài chính.

Theo ông Hậu, các DN môi giới như ông đang cần gấp một lượng “oxy” để tồn tại.

Cụ thể, ông Hậu mong muốn cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN tạm dừng đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn hoặc gia hạn thời gian đóng, áp dụng cho những nơi đang áp dụng Chỉ thị 16. Cùng với đó, ngân hàng cần miễn giảm lãi suất, ân hạn nợ gốc. Ngành thuế thì cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng đại dịch.

“Nên có các gói ưu đãi lãi suất cho DN. Mặc dù trước đó đã triển khai nhưng các DN môi giới tiếp cận được rất ít, kể cả chỉ để trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm vaccine để cấp thẻ xanh cho người lao động tại các DN môi giới để họ có thể di chuyển và bán hàng. Có như vậy DN môi giới mới phục hồi và phát triển”, ông Hậu nói.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA, kiêm Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, cho biết dịch bệnh bùng phát, có 70% sàn bất động sản phải điều chỉnh, cắt giảm lương của nhân viên hoặc ngưng hoạt động.

Nói về doanh thu của các sàn môi giới bất động sản tại TP.HCM trong 4 tháng gần đây, ông Lâm cho hay nhiều sàn có nguy cơ đóng cửa, 50% các DN đạt doanh thu dưới 10% so với trước; 30% đạt doanh thu từ 30-50% so với trước…

Ông Lâm cho rằng, để DN môi giới thoát “cửa tử” thì cơ quan quản lý nhà nước cần có ngay những biện pháp hỗ trợ , "DN ngành này hiện cũng như người bệnh mắc COVID-19 và rất cần hỗ trợ oxy từ Chính phủ".

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, ông Lâm kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 70% trong năm 2021), giảm thuế thu nhập cá nhân (giảm 50% trong 3 quý cuối năm 2021, hoãn nộp các loại thuế này trong 6 tháng kể từ khi hoạt động lại). Đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiêm vaccine mũi 1 cho nhân sự của các sàn bất động sản ở TP.HCM và các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Thêm nữa, ông Lâm đề nghị Chính phủ hỗ trợ DN môi giới bất động sản vay vốn với lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định đầu vào hoạt động kinh doanh để sớm có doanh thu trở lại. Hỗ trợ nhân viên môi giới bất động sản vay vốn với mức ưu đãi để ổn định cuộc sống.