Theo số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch trở lại tìm vốn từ kênh trái phiếu từ tháng 5 và bắt đầu có sự tăng tốc trong tháng 6.
Cụ thể, trong tháng 5, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đánh dấu việc trở lại thị trường với tổng số trái phiếu phát hành gần 6.900 tỷ đồng, tương đương 28.53% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Đầu Tư Địa Ốc Nova với 5,774 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Bên cạnh đó, CTCP Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng, CTCP Hội An Invest phát hành 700 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Văn Phú Invest phát hành 250 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng phát hành trái phiếu huy động hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 5/2022, gồm CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động 717,2 tỷ đồng, CTCP Sunbay Ninh Thuận phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động 900 tỷ đồng.
Đến tháng 6 (tính đến ngày 24/6), nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phát hành thêm trái phiếu. Dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tháng 6/2022 là Vingroup với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng). Về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Tập đoàn Nam Long phát hành với 500 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Taseco 120 tỷ...
Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại sau khi dừng hoạt động trong tháng 4.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm 25.9%. Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng).
Nhận định về thị trường phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group cho biết, sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì cơ quan điều hành có động thái siết lại rất chặt khiến các doanh nghiệp bất động sản không dám phát hành trong tháng 4. Nhưng bước sang hai tháng 5 và 6 gần đây doanh nghiệp đã rục rịch phát hành trở lại, vấn đề là lãi suất như thế nào để các nhà đầu tư tham gia. Tuy vậy đối với các nhà đầu tư quốc tế thì sợ nhất là rủi ro pháp lý đang là rào cản lớn cho việc phát hành thành công.
Nhìn lại kênh trái phiếu vẫn có mặt tích cực, phát huy vai trò của nó bởi đây vẫn là dòng vốn chiếm tỷ lệ lớn hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khi tín dụng ngân hàng không đáp ứng đủ. Tín dụng ngân hàng thoạt nhìn là có vai trò rất lớn nhưng quan sát ở tất cả các doanh nghiệp có quy mô lớn thì tỷ lệ vốn vay trái phiếu vẫn lớn hơn.
“Trái phiếu bất động sản vẫn tương đối quan trọng vì chiếm tới 40% tổng lượng phát hành trên thị trường. Với những sự thay đổi mới nhất của Nghị định 153, dự báo sẽ là thông tin tích cực, không quá siết như dự thảo lần trước và rõ ràng hơn thì thị trường trái phiếu sôi động trở lại từ nay đến cuối năm”, ông Thuân nói.
Hiện tại, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp, theo quy trình thì sau đó có thể hoàn chỉnh sớm để trình Chính phủ xem xét ban hành.
Bộ Tài chính cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 tập trung quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu; quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn hoạt động, ảnh hưởng khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp...
Cùng với đó, phương án tổ chức thị trường trái phiếu thứ cấp đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định 153 sửa đổi ban hành thì sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện và hướng đến vận hành thị trường. Việc này được kỳ vọng nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ khâu phát hành đến giao dịch.