Doanh nghiệp BĐS ngại làm nhà ở xã hội

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã khởi công 7 dự án với tổng số khoảng 23.965 căn, trong đó nhà ở xã hội 5 dự án quy mô 20.765 căn.

Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường BĐS. Một trong các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường BĐS lớn nhất là vốn thì nay sẽ khác. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% của các NHTM cho doanh nghiệp khi vay ngân hàng để phát triển dự án, dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ hay 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp dẫn tới lo ngại là lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội.

Điều này có nghĩa là muốn giải ngân 15.000 tỷ thì phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. "Như vậy, chúng tôi lo rằng, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ, phải tính tới nguồn cung? Ngoài ra, còn gói hỗ trợ gián tiếp 114.000 tỷ qua đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cấu hạ tầng tác động đầu tiên tới kinh tế, sau đó là BĐS", ông Khởi nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, lợi nhuận thấp hơn lãi ngân hàng, thủ tục kéo dài, thiếu quỹ đất, thiếu nguồn vốn ưu đãi… là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong việc phát triển loại hình nhà ở xã hội.

Mặc dù đã có quy định là trích 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu.

Doanh nghiệp BĐS ngại làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Đã từng nhiều lẫn giải bày về câu chuyện này, ông Lễ Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cũng là một chủ đầu tư đã xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội, cho rằng, một dự án nhà ở xã hội kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm. Trong khi lợi nhuận chỉ có 10%, tính ra mỗi năm chỉ có 2%, thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây là một trong những lý do nhiều doanh nghiệp ngại tham gia xây dựng.

Khi làm dự án nhà ở xã hội, điều đầu tiên doanh nghiệp quan tâm là pháp lý, làm sao pháp lý nhanh nhất, có thuận lợi nhất để đẩy nhanh được tiến độ dự án, sớm đưa ra thị trường. Hiện nay, thủ tục xin dự án nhà ở xã hội bị vướng những quy định còn "vênh" nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Về thuế, Nghị định 100 của Chính phủ quy định với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê được giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Luật thuế lại không có.

Để tháo gỡ những "nút thắt" trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng cần phải giải quyết hai vấn đề chính.

Một là, phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật thuế, luật kinh doanh.

Đơn cử như hiện tại, Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh. Thế nhưng trong Luật thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Cụ thể, xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn).

Ngoài ra, có 339 dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn).

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã khởi công 7 dự án với tổng số khoảng 23.965 căn, trong đó nhà ở xã hội 5 dự án quy mô 20.765 căn.

Nhiều giải pháp để gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội đã được đưa ra. Các hoạt động cải cách, rút ngắn thủ tục cũng được triển khai, nhiều tổ công tác tháo gỡ khó khăn của dự án nhà ở xã hội được thành lập, đi sâu giải quyết cụ thể từng vấn đề. Công tác rà soát, bổ sung quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng được tập trung đẩy mạnh. Cùng với đó, hoạt động rà soát lại các dự án trên địa bàn TP.HCM được triển khai nghiêm túc.

Tuy nhiên, đến nay câu chuyện phát triển nhà ở xã hội vẫn đang là đề tài được các ban, ngành mang ra bàn giải pháp. Trong khi các doanh nghiệp BĐS gần như không mấy mặn mà với loại hình BĐS này.

#/doanh-nghiep-bds-ngai-lam-nha-o-xa-hoi-20220421114755577.chn