Đô thị đa chiều sẽ là xu hướng và loại bỏ được đô thị “ma”

Theo GS. Đặng Hùng Võ, các khu đô thị đa chiều gắn với công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ sẽ làm tăng mật độ kinh tế, tạo sức sống bền vững và đây là xu hướng phát triển tất yếu của 10 năm tới.

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam gần đây đã được phát triển bởi nhiều tập đoàn chuyên nghiệp với các dự án đầu tư lớn, chứa đựng trong đó cả lợi ích chung của đất nước và lợi ích riêng của doanh nghiệp.

Chia sẻ với Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định, trong 5-10 năm tới, xu hướng phát triển thị trường BĐS sẽ tiếp tục với tính chuyên nghiệp cao hơn vì dư địa phát triển của mọi phân khúc còn rất rộng.

Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay mới đạt khoảng 35% mà cho tới 2030 nước ta phải trở thành nước công nghiệp, nên đòi hỏi tỷ lệ đô thị hóa ra phải đạt từ 75-80%.

Trong vòng 10 năm tới, các dự án BĐS nhà ở dưới dạng phát triển các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại sẽ trở thành xu hướng chính.

Còn đối với phân khúc BĐS du lịch, với chủ trương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong hoàn cảnh hạ tầng lưu trú, vui chơi, giải trí còn chưa đáp ứng được tăng trưởng du lịch khoảng 20-30% mỗi năm. Như vậy, các dự án lớn về phát triển BĐS du lịch tạo thành các khu du lịch phức hợp sẽ là xu hướng.

Tương tự, nhu cầu phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nhu cầu đầu tư các khu công nghiệp - đô thị lớn cũng đòi hỏi phát triển các dự án BĐS công nghiệp, BĐS nông nghiệp quy mô lớn.

Đâu là hướng phát triển chủ đạo trong 5-10 năm tới, thưa Giáo sư?

Hiện nay trên thế giới, BĐS đang phát triển theo hướng đa công năng để có thể áp dụng tư duy về kinh tế chia sẻ nhằm tận dụng tốt nhất nguồn lực BĐS vào phát triển kinh tế - xã hội. Các BĐS đa công năng như condotel, shophouse hay officetel sẽ khuyến khích mọi người đưa tiền dự trữ của mình vào kinh doanh BĐS, giải quyết tốt vấn đề việc làm và thu nhập, sinh kế của người dân.

Ở mức độ rộng lớn hơn, các khu đô thị đa chiều gắn với công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sẽ làm tăng mật độ kinh tế cho các khu đô thị đó, tạo sức sống cho đô thị và loại bỏ được tình trạng các đô thị "ma". Các khu đô thị "ma" tồn tại là do đô thị đó được quy hoạch nhưng không tính toán đến khả năng tạo được việc làm cho các cư dân tương lai của đô thị đó.

Sự phát triển các khu đô thị lớn mang tính phức hợp và tạo được việc làm sẽ làm tăng mật độ kinh tế tại chỗ. Khi có kết nối tốt với các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế, các khu đô thị đó sẽ đóng vai trung tâm phát triển tại địa phương.

Mọi đô thị có mật độ kinh tế cao sẽ tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống quản lý, hệ thống cung cấp dịch vụ công sao cho dịch vụ tốt, chất lượng cao và chi phí thấp. Lúc đó, đô thị sẽ phát triển theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển đô thị, tạo nên quá trình đô thị hóa hiệu quả cao.

Đây cũng chính là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn 5 tới 10 năm tới.

Có phải chính là hướng đi của các "đại đô thị" trong thời gian gần đây không?

Ở đây cần làm rõ khái niệm "đại đô thị". Một dự án lớn về phát triển một khu đô thị vẫn chỉ cho kết quả là một đô thị nhỏ. Khái niệm "đại đô thị" ở Việt Nam hiện nay chỉ có Hà Nội và TP.HCM thôi, theo tiếng Anh người ta gọi là các Megacity.

Việc thành lập các khu đô thị mới ở Việt Nam hiện nay không đi theo hướng các "đại đô thị" mà đều là các "tiểu đô thị" nhưng phải đảm bảo tiêu chí xanh và hướng tới đô thị thông minh.

Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, chủ trương chung cũng là không mở rộng thêm theo kiểu vết dầu loang mà là phát triển các đô thị vệ tinh có kết nối hạ tầng thật tốt với đô thị trung tâm. Nói cách khác, chủ trương phát triển đô thị ở Việt Nam là xây dựng mạng lưới đô thị có kết nối tốt. Khoảng trống giữa các đô thị là không gian cho môi trường xanh với cây xanh và mặt nước.

Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên lĩnh vực BĐS?

Theo tôi, thị trường BĐS Việt Nam cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh của Covid-19 nhưng không phải là toàn bộ thị trường mà chỉ ở một số phân khúc nhất định.

Phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất là BĐS du lịch cùng với hoạt động kinh tế du lịch bị đình trệ.

Đến nay, du lịch trong nước đang tăng lên đáng kể nhờ các chính sách kích cầu du lịch nội địa. Vì vậy, BĐS du lịch đã được khai thác trở lại nhưng mức độ chưa cao do du lịch quốc tế vẫn chưa hoạt động trở lại, các dịch vụ khác phục vụ du lịch như mua sắm, ẩm thực,... cũng bị suy giảm theo.

Hoạt động thứ hai bị ảnh hưởng lớn là hoạt động môi giới, ít người quan tâm tới các giao dịch BĐS có tính chất kinh doanh.

Ngay các giao dịch BĐS có tính chất dân sự cũng suy giảm vì mọi người có nhu cầu vẫn gác lại để chờ đợi hết dịch bệnh, trừ những trường hợp có nhu cầu cấp thiết. Như vậy, nghề môi giới gần như không có công việc.

Ông có lời khuyên nào đối với các doanh nghiệp BĐS trong giai đoạn mới?

Tính chuyên nghiệp vẫn là yếu tố chủ đạo để tạo nên động lực chính cho phát triển. Tính chuyên nghiệp ở đây phải kể đến việc sử dụng con người có trình độ cao, có năng suất lao động tốt, có tiềm năng công nghệ để sao cho chi phí lao động thấp nhưng hiệu quả lao động cao.

Thứ hai là sử dụng nguồn lực đất đai đạt hiệu suất và hiệu quả cao, sử dụng tiết kiệm đất và đạt được giá trị đầu tư trên đất cao.

Thứ ba là có giải pháp huy động vốn phù hợp để không bị động về vốn, trong đó cần tập trung vào hình thức huy động vốn từ người tiêu dùng và từ thị trường chứng khoán. Có vốn rồi thì biết sử dụng đồng vốn mang lại hiệu quả.

Thứ tư là hướng theo việc áp dụng công nghệ hiện đại để tạo giá trị gia tăng cao cho hàng hóa BĐS.

Theo hướng này, thị trường sẽ trở nên chuyên nghiệp, các nhà đầu tư dự án cũng trở thành chuyên nghiệp, hàng hóa BĐS sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cảm ơn ông!