Cơn sốt bất động sản khu công nghiệp đã và đang thu hút sự quan tâm của không chỉ các ông lớn trong ngành mà còn của nhiều gương mặt mới.
Bất động sản khu công nghiệp trong nước đã sớm cho thấy sự lạc quan ngay từ đầu năm 2019 khi căng thẳng thương mại lên cao Mỹ - Trung khiến nhiều tập đoàn sản xuất rục rịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Sang tới năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát tiếp tục là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này. Với lợi thế về chính trị ổn định, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, dân số còn trẻ, thu nhập còn thấp và quỹ đất lớn là những yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Bước sang năm 2021, chuyển biến trong cải cách một số luật và nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng cùng mặt bằng lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng.
Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 19 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 4.596,3ha được phê duyệt, thu hút sự quan tâm của không ít các tên tuổi lớn, điển hình như Viglacera, Sonadezi, Hoà Phát hay Hoàng Thịnh Đạt.
Với Tổng Công ty Viglacera, ngày 17/2/2021, ông lớn này đã được chấp thuận dự án khu công nghiệp Thuận Thành I quy mô 249,75ha, vốn đầu tư 2.847 tỷ đồng tại xã Ninh Xá, xã Trạm Lộ và xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Viglacera là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, tổng công ty này sở hữu 11 dự án khu công nghiệp trong nước và 1 khu kinh tế tại Cuba với tổng quỹ đất hơn 4.000ha.
Còn Hoàng Thịnh Đạt, dù không quá nổi bật trên truyền thông, song đây là một tập đoàn kinh tế tầm cỡ khi rót vốn vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khu công nghiệp với loạt dự án quy mô lớn như dự án Tổ hợp Yên Bình - nơi Tập đoàn Samsung lựa chọn để xây dựng tổ hợp công nghệ cao, hay dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất 1.303ha. Ngày 26/2/2021, công ty này đã được chấp thuận đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai 1 quy mô 264,77ha tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Về phần mình, Hoà Phát dù nổi danh với lĩnh vực sản xuất thép, song ít người biết tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khu công nghiệp, với các dự án như Khu công nghiệp Phố Nối A quy mô 600ha, Khu công nghiệp Yên Mỹ II quy mô 231ha tại tỉnh Hưng Yên hay Khu công nghiệp Hoà Mạc quy mô 203ha tại tỉnh Hà Nam. Mới đây nhất, thông qua công ty con là Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục được giao đầu tư khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng diện tích 92,5ha tại tỉnh Hưng Yên.
Hay như CTCP phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) là nhà phát triển khu công nghiệp địa phương có tiếng với hiệu quả hoạt động ấn tượng qua loạt dự án là KCN Khai Quang, KCN Châu Sơn, cụm CN Đồng Văn II, Cụm công nghiệp Hồng Đức và dự án KCN sông Lô. Ngày 23/2/2021, IDV tiếp tục được cấp phép dự án khu công nghiệp Sông Lô II, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô 165ha, vốn đầu tư là 1.520 tỷ đồng.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cái tên Sonadezi - thương hiệu đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Được thành lập vào ngày 15/12/1990, Tổng Công ty Sonadezi được xem là một trong những "ông trùm" về bất động sản khu công nghiệp, khu dân cư ở Đồng Nai. Hiện tại, Sonadezi đã hoàn thiện hạ tầng 9 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.578ha, thu hút 803 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn như khu công nghiệp Long Thành (488ha), Amata (494ha), Biên Hòa 2 (365ha), Biên Hòa 1 (335ha), Nhơn Trạch 2 (347ha)…
Ngày 23/2/2021, Sonadezi tiếp tục gia tăng danh mục dự án khi công ty thành viên - CTCP Sonadezi Bình Thuận được cấp phép đầu tư dự án khu công nghiệp Tân Đức tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, quy mô 300ha.
Một doanh nghiệp có tiếng khác là Hanaka Group vào ngày 12/3/2021 cũng được chấp thuận dự án khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với quy mô 250ha, vốn đầu tư 3.957 tỷ đồng. Xuất phát điểm là nhà máy sản xuất thiết bị điện, song những năm gần đây tên tuổi của Hanaka Group được biết đến nhiều hơn cả với các dự án bất động sản thương mại lẫn khu công nghiệp quy mô lớn, chủ yếu ở Bắc Ninh – nơi ông lớn này đặt "đại bản doanh". Cụ thể, tập đoàn của doanh nhân Mẫn Ngọc Anh là chủ đầu tư Khu đô thị Hanaka Paris City Từ Sơn, Khu phức hợp Hong Kong – Lon Don (thị xã Từ Sơn), Khu đô thị Hanaka – Văn Môn, Khu công nghiệp Hanaka, Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn.
Những "gương mặt" mới
Trong "cơn sốt" đầu tư bất động sản khu công nghiệp, bên cạnh những ông lớn với kinh nghiệp lâu năm, không ít cái tên mới cũng dồn dập gia nhập thị trường.
Đầu tiên phải kể đến CTCP Xây dựng hạ tầng Đại Phong- nhà thầu xây lắp có tiếng tại Nam Định khi trúng hàng chục gói thầu với tổng giá trị trúng thầu lên tới cả nghìn tỷ đồng. Gần đây, Đại Phong đã được chấp thuận dự án khu công nghiệp Mỹ Thuận quy mô 158,48ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.621 tỷ đồng tại huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản, Nam Định.
Để chuẩn bị nguồn lực làm chủ đầu tư các dự án lớn, Đại Phong đã đẩy mạnh tăng vốn điều lệ. Tại thời điểm tháng 9/2017, công ty có số vốn đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 35 lần so với vốn điều lệ tại thời điểm 23/9/2014, trong đó, Chủ tịch HĐQT Trần Quang Đại nắm 60,93% vốn điều lệ, ông Trần Văn Vân sở hữu 1,64% và ông Trần Văn Nguyện có 1,71%. Cả 3 cổ đông này đều có địa chỉ thường trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Chủ đầu tư "tay ngang" trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp còn phải kể tới CTCP Trung Khởi. Được thành lập vào tháng 3/2020, vốn điều lệ tới tháng 5/2020 là 815 tỷ đồng và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Trung Khởi chính là hạt nhân trong hệ sinh thái của MCD Việt Nam, thuộc sở hữu của bộ đôi doanh nhân ông Dương Minh Đức và ông Nguyễn Hữu Mến. Tại đây ông Đức là người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc còn ông Mến giữ chức Chủ tịch.
Mặc dù tuổi đời chưa đầy 3 năm, nhưng MCD thời gian qua không giấu diếm tham vọng bung mình mạnh mẽ với loạt dự án lớn trong nhiều lĩnh vực, đó là dự án Nhà máy Điện mặt trời Hải Dương hơn 1.000 tỷ đồng; dự án Khu nhà xưởng và văn phòng Trung Khởi-Quán Ngang quy mô 28,89ha được Quảng Trị chấp thuận tháng 5/2020; hay mới đây là dự án khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú cũng tại Quảng Trị quy mô 528,97ha, tổng mức vốn đầu tư 4.533,61 tỷ đồng.
Với CTCP Green I-Park, ngày 8/2/2021, doanh nghiệp này đã được giao đầu tư dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái (GREEN iP-1) tại tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 588,84ha.
Green I-Park được thành lập tháng 1/2019, trụ sở đặt tại toà nhà Sky Tower, 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Đất Xanh (nắm giữ 51% VĐL), ông Bùi Thế Long (nắm giữ 30% VĐL) và ông Nguyễn Minh Hưng (nắm giữ 19% VĐL). Ngày 17/1/2020, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Đất Xanh thoái hết vốn khỏi Green I-Park. 3 ngày sau, doanh nghiệp này nâng quy mô vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu lúc này không được công bố.
Dự án khu công nghiệp khác có quy mô lên đến 162,33ha tại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 10/3/2021 cũng đã được giao cho CTCP Quốc tế Sơn Hà – ông lớn hoạt động chính trong mảng đồ gia dụng.
Bên cạnh sức hấp dẫn của bất động sản khu công nghiệp, thì sự chùng lại do dịch COVID-19 cũng được đánh giá là cơ hội lớn cho các tân binh gia nhập thị trường. Theo đó, thời gian gần đây ngành kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đã liên tục ghi nhận những tên tuổi mới khác như CTCP khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1; CTCP hạ tầng Western Pacific; Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long; Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh; Công ty TNHH Phát triển và đầu tư hạ tầng Trà Vinh; CTCP phần đầu tư Amane và CTCP KCN Gilimex.
Vào ngày 23/2/2021, Công ty TNHH phát triển đầu tư hạ tầng Trà Vinh (tên viết tắt Trà Vinh Infico) đã được giao đầu tư dự án khu công nghiệp Cổ Chiên quy mô sử dụng đất gần 200ha tại xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Trà Vinh Infico là thành viên của hệ sinh thái CCG Group - một ông lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thuộc sở hữu của ông Phạm Văn Tuấn.
Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh - pháp nhân thuộc hệ sinh thái Capella Group của doanh nhân Phương Hữu Việt vào ngày 22/2/2021 đã được giao đầu tư dự án khu công nghiệp Gia Bình quy mô khoảng 306ha, được thực hiện tại 3 xã tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 2.578 tỷ đồng.
Với Western Pacific, công ty này được thành lập vào tháng 4/2019, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Bích Huệ (SN 1977).
Ngày 19/2/2021, Western Pacific đã được cấp phép làm chủ dự án khu công nghiệp Yên Phong II-A, huyện Yên Phong với quy mô 151,27ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.830,168 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Western Pacific là 275 tỷ đồng.
Đến ngày 10/3/2021, dự án Khu công nghiệp Gilimex quy mô 460,85ha tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã được giao cho CTCP KCN Gilimex - Công ty con của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) làm chủ đầu tư.
Tại tỉnh Hải Dương, dự án khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình với quy mô sử dụng đất 180ha, tổng vốn đầu tư 1.947 tỷ đồng cũng đã được giao cho CTCP khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1.
An Phát 1 được thành lập vào tháng 9/2019 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đây là công ty con đặc trách kinh doanh bất động sản của Tập đoàn An Phát Holdings - tập đoàn nhựa đầu ngành.
Một công ty có tuổi đời khá trẻ khác là Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long vào ngày 22/2 cũng đã được giao đầu tư dự án khu công nghiệp Việt Hàn quy mô 50ha (giai đoạn 1) tại tỉnh Bắc Giang.
Fuji Phúc Long được thành lập vào cuối năm 2020 và là công ty con CTCP Constrexim Số 1 - doanh nghiệp có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng với một số dự án đáng chú ý như: Dự án tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex (Hà Nội); dự án khu nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); KCN Châu Phong (huyện Quế Võ, Bắc Ninh); khu công nghiệp - đô thị dịch vụ Yên Dũng, Bắc Giang; KCN Việt Hàn.
Hay như CTCP Coma 18, vào ngày 15/3/2021, công ty này đã được giao đầu tư dự án khu công nghiệp Kim Thành với quy mô sử dụng đất 164,98ha, trong đó giai đoạn 1 là 65ha và giai đoạn 2 là 99,98ha.
Coma 18 tiền thân là Công ty Cơ khí điện Hà Tây được thành lập năm 1973 với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất cơ khí và xây lắp điện. Năm 2011, Coma 18 niêm yết 12 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), lấy mã CIG. Cập nhật tại ngày 31/12/2020, công ty này có số vốn điều lệ đạt mức 315,4 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Tĩnh.
Cùng ngày 15/3, dự án khu công nghiệp sông Lô I quy mô 177,36ha tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã được giao cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng sông Lô (tên viết tắt TNI sông Lô).
TNI sông Lô được thành lập vào tháng 9/2015, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trụ sở hiện đặt tại KCN Sông Lô 1, xã Tứ Yên, huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại ngày 5/11/2019, công ty này có số vốn điều lệ đạt mức 370 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Thương mại M-Trading (40,54%), CTCP Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam (51,35%) và ông Nguyễn khắc Sơn (8,1%). Giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Nguyễn Khắc Sơn (SN 1964).
Trước đó vào ngày 26/2/2021, Dự án khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II-giai đoạn 1) quy mô sử dụng đất 145,27ha đã được giao CTCP phần đầu tư Amane làm chủ đầu tư.
Amane được thành lập vào tháng 8/2018, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ ban đầu là 120 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Tổng Công ty Hòa Bình Minh (60%), 3 cá nhân là Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại mỗi người nắm giữ 13,33%.