Dịch Covid xuất hiện từ tháng 1/2020 đã nhanh chóng khiến thị trường BĐS chao đảo. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã khiến các sản phẩm như condotel chết lâm sàng. Cùng với đó, BĐS cho thuê cũng vắng khách khiến các doanh nghiệp phải ồ ạt cắt giảm giá thuê hỗ trợ khách hàng. BĐS nhà ở vốn ít ảnh hưởng thì hiện các dự án chuẩn bị ra hàng đã dừng. Nhiều người muốn mua nhà đang phải nghĩ lại vì lo lắng tương lai trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Quan sát trên toàn thị trường bất động sản có thể thấy các sự kiện quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ, khách hàng không đến sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin dự án. Đồng thời, tác động của dịch lên nền kinh tế cũng khiến nguồn vốn và nhu cầu đầu tư dành cho bất động sản cũng bị gián đoạn, sụt giảm.
Đại dịch cũng khiến doanh nghiệp tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu. Đồng thời làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
Theo các chuyên gia, BĐS mặc dù được đánh giá là ngành ít bị ảnh hưởng nhưng thực tế cho thấy, hệ lụy từ Covid-19 đang bủa vây tạo nên thế khó cho cả doanh nghiệp lẫn người có nhu cầu mua nhà. Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn thấm đòn đã tác động ngược lại nền kinh tế. Các chuyên gia lo ngại nếu bất động sản xảy ra khủng hoảng sẽ kéo theo hiệu ứng domino lan tỏa đến hàng chục ngành nghề khác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ví von bất động sản như "hộ tiêu dùng lớn nhất" trong nền kinh tế. Bất động sản là lĩnh vực có sự liên đới chặt chẽ với nhiều ngành nghề kinh tế khác. Sự hoàn thiện của một công trình, một dự án luôn luôn có sự góp mặt của nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau từ ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất, cây cảnh, điện dân dụng đến các ngành dịch vụ như môi giới bất động sản, quản lý bất động sản cả chất xám của các ngành nghệ thuật. Cùng với đó, bất động sản kéo theo một lực lượng lao động khổng lồ thuộc các lĩnh vực, ngành nghề này.
Chính vì vậy, theo ông Châu cần phải có những chính sách thiết thực, cứu nguy cho doanh nghiệp bất động sản như giãn thuế, gia hạn thuế. "Kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, chính phủ xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản; xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi", ông Châu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cũng khẳng định ngành bất động sản hiện đang gặp khó khăn kép. Thị trường vốn đã khó khăn từ năm 2019, bước sang năm 2020 tiếp tục bị tác động bởi Covid-19.
"Bất động sản là xương sống của nền kinh tế, tác động đến hàng chục ngành nghề khác. Chính vì vậy cần có những gói hỗ trợ, cứu trợ để vực dậy ngành kinh tế chủ lực này. Nếu BĐS gục ngã, sau lưng sẽ là hàng ngàn nhà thầu, dịch vụ phá sản theo, tạo nên một hiệu ứng domino đến toàn ngành kinh tế", ông Hiệp cho biết.
Có thể nói, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, "sức khỏe" ngành bất động sản quyết định lớn đến sự "lên xuống" của nhiều ngành nghề. Lịch sử đã cho thấy sự khởi sắc hay những cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đều ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Thậm chí một số cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà đất đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính, sự phá sản của nhiều công ty và suy thoái của cả nền kinh tế.
Chính vì thế, hiện các nước phương Tây như Mỹ đã có gói cứu trợ ngay kịp thời. Việt Nam cũng ngay lập tức có gói 250.000 tỷ đồng. Nhưng, chính phủ cần mở rộng đối tượng hỗ trợ bởi cứu bất động sản là cứu hàng chục ngành nghề liên quan. Với tầm quan trọng của BĐS, nhiều doanh nghiệp đang hy vọng chính phủ sẽ có chính sách phù hợp.
Đề xuất gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp bất động sản
Ngày 24/3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNERA) mới có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế xin hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch Covid-19. Theo đó, VNERA đưa ra 3 đề xuất.
Thứ nhất, bổ sung doanh nghiệp bất động sản vào nhóm đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản được đề nghị giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.
Thứ hai, đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch sự kiến sẽ kéo dài.