
Cầu Bình Khánh trong ảnh thuộc gói thầu J1 của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Công trình cầu Bình Khánh được khởi công từ tháng 8/2015, là một trong những hạng mục quan trọng của tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, dự án được thi công khẩn trương, từng đạt khoảng 70% khối lượng, gồm cả phần trụ tháp và các nhịp dẫn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, quá trình xây dựng buộc phải tạm dừng do vướng mắc về nguồn vốn.

Sau gần 5 năm gián đoạn, cầu Bình Khánh được tái khởi động vào cuối tháng 10/2023. Theo báo cáo tiến độ mới nhất từ chủ đầu tư, công trình hiện hoàn thành hơn 93% khối lượng xây dựng, trong đó 16 trên 18 đốt cầu đã được lắp đặt, tiến gần đến ngày thông xe.


Các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục then chốt như đúc hẫng, kéo dây văng và đổ bê tông mặt cầu nhằm sớm hoàn thiện công trình.

Theo kế hoạch, cầu Bình Khánh được hợp long vào tháng 6 và hoàn tất toàn bộ vào đầu tháng 9 tới. Đây được xem là bước tiến quan trọng, tạo tiền đề để thông xe toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối năm 2026, kết nối trục giao thông liên vùng trọng điểm phía Nam.

Cầu Bình Khánh có tổng chiều dài hơn 2,76 km; riêng phần cầu chính dài 763 m, được thiết kế theo dạng cầu dây văng hiện đại. Cầu Bình Khánh được thiết kế theo kết cấu dây văng hai mặt phẳng, với trụ tháp hình chữ H cao 135 m. Tĩnh không thông thuyền của cầu đạt 55 m – cao nhất Việt Nam hiện nay cho phép tàu biển tải trọng lớn lưu thông qua lại. Mặt cầu rộng 21,75 m, bố trí 4 làn xe cơ giới cùng 2 làn dừng khẩn cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại.

Trên tuyến cao tốc trên còn có cầu Phước Khánh – được xem nút thắt cuối cùng của toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành – thuộc gói thầu J3, bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Công trình giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện trục giao thông chiến lược kết nối miền Tây với vùng Đông Nam Bộ.

Cầu Phước Khánh được khởi công từ tháng 7/2015. Công trình có tổng chiều dài hơn 3.100 m, mặt cầu rộng 22 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc hiện đại. Tính đến đầu năm 2019, dự án hoàn thành khoảng 80,7% khối lượng. Tuy nhiên, việc thi công buộc phải tạm dừng do vướng mắc về cơ chế tài chính và nguồn vốn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VTC News vào những ngày cuối tháng 5, khu vực dự án chỉ có một vài bảo vệ túc trực, vắng bóng đội ngũ công nhân, kỹ sư. Hiện trạng này đặt ra nhiều lo ngại về tiến độ thực tế của công trình, nhất là trong bối cảnh toàn tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ thông xe vào cuối năm 2026.

Gói thầu J3-1 – thi công phần còn lại của cầu Phước Khánh – do liên danh CTCP Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam đảm nhận. Gói thầu có giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng, với thời gian thi công dự kiến kéo dài 450 ngày. Đây là giai đoạn then chốt để hoàn thiện cầu Phước Khánh, góp phần thúc đẩy tiến độ toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua ba địa phương gồm Long An, TP.HCM và Đồng Nai, hiện được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 30/9/2026. Việc gia hạn này nhằm dự phòng cho các khó khăn có thể phát sinh trong quá trình thi công, nhất là tại các gói thầu trọng điểm như cầu Phước Khánh – “nút thắt” quan trọng quyết định tiến độ toàn tuyến.