Nguồn cung vẫn “manh nha” đầu năm
Thị trường bất động sản trải qua nhiều thách thức. Các hoạt động đầu tư mua bán tưởng chừng như bất động. Thế nhưng, thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn âm thầm bung hàng đầu năm 2023. Đây được xem là động thái “ngược sóng” trước những thách thức của thị trường địa ốc.
Ghi nhận cho thấy, ngay sau thời điểm Tết nguyên đán, một số dự án rục rịch thị trường Tp.HCM và vùng lân cận.
Chẳng hạn, bên cạnh giới thiệu dự án mới Park Village (Long An), triển khai giai đoạn tiếp theo dòng căn hộ giá hợp lý Akari City (Bình Tân) và Flora Panorama thuộc khu đô thị tích hợp Mizuki Park (Bình Chánh), Nam Long Group đang rục rịch ra thị trường phân khu Izumi Riverside thuộc khu đô thị Izumi City (tên thương mại của dự án Đồng Nai Waterfront) tại Đồng Nai.
Khu đô thị này có quy mô 170ha, sản phẩm hướng đến các nhà đầu tư và gia đình trẻ thành đạt, có điều kiện có lối sống trẻ trung, thích môi trường sống năng động của khu Đông mua để dành, để ở thật sau này.
Tại Bình Phước, dự án Cát Tường Park House quy mô hơn 8ha cũng là nguồn cung thị trường đất nền đầu năm 2023.
Dù chưa công bố chính xác thời điểm ra thị trường nhưng dòng sản phẩm căn hộ tại Vạn Phúc City (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) dự kiến sẽ chào sân từ quý 1 đến quý 2/2023. Đây là nguồn cung tiếp theo trong khu đô thị này.
Ghi nhận cho thấy, nguồn cung bất động sản bung thời điểm đầu năm 2023 chủ yếu đến từ các doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường. Đây cũng là những đơn vị “giữ nhiệt” thị trường khá tốt trong bối cảnh khó khăn. Phân khúc nhà phố, biệt thự, căn hộ...là dòng sản phẩm chủ đạo của các doanh nghiệp này.
Ở chiều ngược lại, phân khúc đất nền lẻ vùng lân cận Tp.HCM vẫn khá ảm đạm nguồn cung lẫn giao dịch. Sau Tết nguyên đán, thị trường chưa xuất hiện hoạt động đầu tư mua bán. Các mảnh đất thổ cư lẻ, đất nông nghiệp thanh khoản khá yếu. Các thông tin tín dụng, lãi suất phần nào vẫn tác động đến tâm lý nhà đầu tư thời điểm này.
Kì vọng nhiều điểm nghẽn được gỡ
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, bất động sản vùng ven Tp.HCM vẫn là xu hướng đầu tư năm 2023.
Vị này chỉ ra 7 xu hướng đầu tư bất động sản trong thời gian tới, bao gồm: Đất nền ven thành phố; Nhà phố khu dân cư nội đô; Nhà phố mặt tiền khai thác; Nhà liền thổ tỉnh ven thành phố; Căn hộ tỉnh ven thành phố, căn hộ giá rẻ phù hợp với đất tỉnh (15-25 triệu đồng/m2); Đất vườn có thổ giá rẻ khoảng 2 tỷ ở những vùng bán kính 200 km ở nơi khí hậu tốt; Thị trường căn hộ thứ cấp đã bàn giao sẽ hợp với người mua ở thật do giá thấp hơn 20% căn hộ xây mới.
Chia sẻ về bức tranh thị trường BĐS năm 2023, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, so với năm 2022, thị trường địa ốc năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Thị trường BĐS năm nay bắt đầu thoát ra khỏi những khó khăn, tiến đến bức tranh được tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.
Theo ông Lâm, việc khởi động nhiều chính sách có liên quan sẽ tác động đến tâm lý thị trường năm 2023. Đây được xem là năm “bản lề” để xác lập lại điều kiện môi trường mới. Những nhà đầu tư nhanh nhạy sẽ nắm bắt cơ hội trong năm “chuyển giao” này.
Hiện Chính phủ đang vào cuộc rất quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các vấn đề về xử lý trái phiếu cũng như room tín dụng phù hợp trong giai đoạn sắp tới.
Năm 2023 kì vọng nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, tâm lý nhà đầu tư tốt trở lại. Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, trong khoảng thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 “về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 “về thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 “về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở”.
Cùng với đó, ngày 17/11/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Mới đây nhất, cuộc họp tín dụng giữa ngân hàng nhà nước với các doanh nghiệp bất động sản cũng là động thái tích cực với thị trường BĐS.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thời gian qua mặc dù BĐS đối diện nhiều thách thức song thị trường vẫn có nhiều điểm sáng để kỳ vọng vào sự phục hồi tích cực trong năm 2023.
Thứ nhất: Với những kết quả ấn tượng trong năm 2022, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tốt trong năm 2023 với mức tăng trưởng từ 6,5-7%, đồng thời lạm phát, lãi suất và tỷ giá được duy trì ổn định. Trên thực tế, kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực, đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài.
Thứ hai: Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Đầu tư công sẽ là điểm sáng, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam trong 2023. Thông qua đầu tư công, dòng vốn sẽ được phân bổ vào nền kinh tế, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển tạo tiền đề cho bất động sản phục hồi.
Thứ ba: thị trường có động lực mới do bộ ba luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được chính thức sửa đổi. Khi những ách tắc pháp lý dần được tháo gỡ, tính minh bạch của thị trường tăng lên sẽ góp phần là “bệ đỡ” niềm tin cho thị trường bất động sản.