Cuối năm 2018, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình đã thu hút 94.000 tỷ đầu tư, tương đương trên 4 tỷ USD. Với lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng và khoảng cách tới Hà Nội không quá xa, Hòa Bình có lợi thế lớn trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Do đó, không khó hiểu khi một lượng vốn không nhỏ trong 4 tỷ USD đầu tư vào Hòa Bình là phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn gắn với các tên tuổi trong làng địa ốc như FLC, Geleximco, An Thịnh Group…
Việc nhiều ông lớn đổ về đây khiến phân khúc đất thổ cư, đất nền tại những khu vực cận kề các dự án lớn trở nên nóng, lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư. Theo dữ liệu lớn (big data) của TinNhaDatVN.Com, vào năm 2019, Hòa Bình nổi lên như một hiện tượng tìm kiếm trên TinNhaDatVN.Com - kênh thông tin bất động sản có lượng truy cập lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những khu vực đứng đầu về lượng tìm kiếm. Đáng chú ý, dù lượng người quan tâm tăng mạnh nhưng theo khảo sát, đất thổ cư Hòa Bình chưa xảy ra hiện tượng sốt ảo, nhảy múa về giá như nhiều khu vực đón thông tin siêu dự án khác. Giá tăng nhưng mức tăng ổn định, không đột biến với những khu vực được coi là nóng.
Trên thực tế, trong vòng 1 năm qua, đất khu vực thành phố Hòa Bình tăng khoảng 10-15%. Đất đường Trần Hưng Đạo, gần Vincom Hòa Bình, đến thời điểm hiện tại, những lô đẹp dao động từ 22-25 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10-15% so với mức 19-22 triệu đồng/m2 của cùng kì năm ngoái. Những lô đất vị trí bên trong gần Vincom giá cũng tăng từ 13-15 triệu đồng/m2 lên mức 14-17 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Quốc lộ 6 (Trung Minh) gần sân golf Geleximco giá cũng tăng từ mức 6-8 triệu đồng/m2 lên mức 7,5-9 triệu đồng/m2. Đối với những lô đất có diện tích lớn, phía bên trong, gần sân golf mức tăng từ 5-6 triệu đồng/m2 lên mức 6-7 triệu đồng/m2. Đất gần quảng trường Hòa Bình cũng tăng từ 12-15 triệu đồng/m2 lên mức 14-17 triệu đồng/m2.
Cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn với các dự án nghỉ dưỡng quy mô tại Hòa Bình không chỉ thúc đẩy nghỉ
dưỡng ven đô mà còn khiến phân khúc đất thổ cư nơi đây sôi sục.
Ngoài thành phố Hòa Bình, Lương Sơn và Kỳ Sơn cũng là những khu vực nằm trong tâm điểm của nhà đầu tư. Nếu khu vực thành phố Hòa Bình, nhà đầu tư tìm mua đất thổ cư vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn nhằm tìm kiếm lợi nhuận gia tăng theo tốc độ đô thị hóa của thành phố thì tại Lương Sơn và Kỳ Sơn, xu hướng của một bộ phận nhà đầu tư là mua những lô đất lớn để phát triển nhà vườn hoặc các khu homestay, đón làn sóng nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai.
Lương Sơn và Kỳ Sơn có địa hình phổ biến là núi thấp và đồng bằng, cách Hà Nội 30-40km. Những dãy núi thấp nơi đây chạy dài xen kẽ với các khối núi đá vôi, với những hang động. Nơi đây cũng sở hữu nhiều khe suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo đan xen tạo nên cảnh sắc thơ mộng. Chính bởi vậy, Lương Sơn và Kỳ Sơn hội tụ những yếu tố thuận lợi để phát triển nghỉ dưỡng ven đô.
Theo môi giới địa phương, hơn 10 năm trước, với đề án mở rộng thủ đô, Lương Sơn và Kỳ Sơn từng là tâm điểm của sốt đất. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 kéo theo khủng hoảng bất động sản đã khiến nhiều nhà đầu tư chôn vốn tại đây. Thế nhưng khoảng 2 năm trở về đây, thị trường này đã khởi sắc khi cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình được khởi công, làn sóng đầu tư nghỉ dưỡng ven đô của các ông lớn bùng nổ và sự phát triển mạnh của xu hướng sống xanh.
Trên thực tế, những lô đất rộng tới hàng ngàn m2 tại Lương Sơn, Kỳ Sơn có sự tăng giá khoảng 10% so với cùng kì 1 năm trước. Đơn cử, nhiều lô đất ở Tân Vinh (Lương Sơn) rộng từ 2.500-5.000 m2 vào tháng 5 năm ngoái được chào giá từ 1,8-2,8 tỷ/lô thì mức giá hiện tại là 2-3,5 tỷ/lô. Với diện tích tương tự, đất tại Hợp Hòa (Lương Sơn) tăng giá từ 1,7-2,6 tỷ/lô lên mức 1,9-2,8 tỷ/lô. Những lô đất 2.000-4.000m2 tại Hòa Sơn (Lương Sơn), cùng kì năm ngoái mới được rao bán từ 1,7-2,5 tỷ/lô thì giá năm nay đã lên 1,9-2,7 tỷ/lô. Tại Kỳ Sơn, những lô đất lớn tại Bình Thanh, Cao Phong diện tích từ 4.000-10.000m2 có giá rao bán tháng 5/2018 từ 2,2-3,8 tỷ thì giá hiện tại là 2,4-4,2 tỷ/lô. Cùng diện tích và biên độ thời gian, đất tại các xã Thịnh Lang, Tiến Xuân, giá rao bán tăng từ 2-3,6 tỷ/lô lên 2,2-3,9 tỷ/lô.
Theo nhà đầu tư Trần Văn Sơn (Hà Đông, Hà Nội), dù Hòa Bình có nhiều biến động mạnh về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và sự hiện diện của các ông lớn bất động sản nhưng tàn tích của cơn sốt đất 10 năm trước vẫn khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Giá trị bất động sản khu vực đang được kích thích nhưng bất động sản nơi đây cần cuộc đầu tư dài hơi, không thích hợp cho lướt sóng. Bởi phần lớn những dự án, công trình đình đám đều đang trong quá trình triển khai xây dựng. Do đó sự phát triển bất động sản khu vực ít nhiều sẽ phụ thuộc vào tiến độ, quá trình hoàn thiện, vận hành của những dự án, công trình này.
Duy Bác