Điểm mặt dự án bất động sản tai tiếng

Hàng ngàn người ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục cầu cứu cơ quan chức năng vì dính vào dự án bất động sản trì trệ, không lối thoát.

Những ngày cận Tết, hàng loạt khách hàng mua căn hộ thuộc dự án Sơn Thịnh 3, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) do doanh nghiệp (DN) tư nhân Sơn Thịnh làm chủ đầu tư, càng thêm nóng ruột, khi căn hộ chờ hoài vẫn không đến tay.

Bán căn hộ "ảo", gửi giấy vào ngân hàng

Anh T.T.T (khách hàng mua căn hộ tại Sơn Thịnh 3) cho biết dự án trên được cấp giấy phép và xây dựng từ năm 2017 với 20 tầng. Khi công trình đang băng băng về đích như cách nói của chủ đầu tư thì ông N.C.B (chủ DN Sơn Thịnh) bất ngờ mất do bệnh. Lúc này, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Sơn Thịnh 3 mới tá hỏa khi biết DN này đang khó khăn về tài chính, dự án này cũng đang vướng nhiều lùm xùm sai phạm. "Chủ DN này đã bán hàng loạt căn hộ từ tầng 21 đến tầng 26 cho khách hàng khi chưa có giấy phép xin điều chỉnh vượt tầng và cũng không được cơ quan chức năng có văn bản đồng ý" - anh T.T.T bức xúc.

Điểm mặt dự án bất động sản tai tiếng - Ảnh 1.

Chủ đầu tư dự án Sơn Thịnh 3 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bán hàng loạt căn hộ ảo.Ảnh: NGỌC GIANG

Theo anh T.T.T, anh và đa số khách hàng đều đã đóng trên 80% số tiền trong hợp đồng với mong muốn sớm được dọn về căn hộ để ở, tuy nhiên dự án chỉ xây xong phần thô, đang hoàn thiện từ năm 2019 thì dừng lại cho tới nay. Đáng nói, sau khi ông N.C.B mất thì DN này cũng liên tục thay đổi người đại diện nhưng vẫn không trả lời được cho người dân là khi nào có thể bàn giao.

Nếu anh T. còn le lói hy vọng khi mua căn hộ ở tầng 18 - tức căn hộ nằm trong số tầng được cấp phép của dự án Sơn Thịnh 3 thì chị N.T.H (một khách hàng mua căn hộ ở tầng 21) nói chị đang dần mất hết hy vọng. "Khi dự án đang xây dựng thì DN Sơn Thịnh tiếp tục bán ra các căn hộ ở tầng cao hơn và cam kết trong hợp đồng sẽ bàn giao căn hộ đúng tiến độ, sau này chúng tôi mới biết số tầng từ 21 đến 26 là DN này tự ý bán chứ chưa hề xin được giấy phép. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc để hòng lấy lại tiền, chưa dám mong nhận được căn hộ như cam kết" - chị H. than.

Điểm mặt dự án bất động sản tai tiếng - Ảnh 2.

Khoảng 600 nền đất thuộc dự án khu đô thị A1-C1 (đối diện chợ Dầu Giây; huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) khách mua từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể xây nhà để ở .Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Dự án khu liên hợp nhà ở, trường học, thể thao tại phường 10, TP Vũng Tàu do Công ty TNHH Khang Linh làm chủ đầu tư được xây dựng từ hơn 15 năm trước bằng hình thức huy động vốn. Khách hàng đã hoàn thiện nghĩa vụ góp vốn và sinh sống ổn định từ nhiều năm qua nhưng vào năm 2010, khách hàng mới phát hiện toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) lại đứng tên Công ty Khang Linh, sau đó công ty này đem toàn bộ giấy chứng nhận thế chấp vào ngân hàng. Cũng từ đó tới nay, người dân mỏi mòn chờ đợi nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Mỏi mòn chờ sổ

Không chỉ bán căn hộ ảo, đem giấy tờ đi thế chấp, ở Đồng Nai và BR-VT còn hàng loạt dự án bất động sản mà ở đó người mua đang mỏi mòn chờ giấy CNQSDĐ, còn chủ đầu tư thì cứ ì ra đó. Có thể kể đến là dự án khu dân cư A1-C1 của Công ty Phú Việt Tín. Dự án này nằm đối diện chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Ông X., mua đất tại khu dân cư A1-C1, cho biết ông mua lô đất với giá 1,2 tỉ đồng từ năm 2017 và đã đóng 95% số tiền của lô đất. Theo hợp đồng, bên bán cam kết trong vòng 1 năm sẽ bàn giao giấy CNQSDĐ cho người mua. "Trường hợp quá thời hạn 4 tháng chưa giao giấy CNQSDĐ thì bên bán sẽ bị phạt 0,05%/ngày trên giá trị hợp đồng, hợp đồng ghi rõ như vậy" - ông X. nói. Tuy nhiên, cũng theo ông X., từ đó đến nay đã 5 năm, ông chưa nhận được giấy CNQSDĐ, không được xây nhà ở trên mảnh đất của mình. Cùng với hàng trăm nạn nhân khác, ông X. đi tìm hỏi công ty để đòi quyền lợi nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Không chỉ vậy, sau những lần đi đòi quyền lợi, ông X. và nhiều người khác gặp rắc rối khi còn phải "làm chứng" cho nhiều bên kiện cáo lẫn nhau khiến "tiền mất tật mang".

Phóng viên cũng đã tiếp xúc một số khách hàng của dự án khu nhà ở Tân Hạnh, thường gọi là Biên Hòa Riverside ở phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa. Dự án này có quy mô dân số khoảng 1.000 người. Ông Nguyễn Khoa Hồng Vân (69 tuổi) cho hay tháng 11-2017, vợ chồng ông mua thửa đất 97,5 m2 thuộc dự án Biên Hòa Riverside. Trong hợp đồng, vợ chồng ông Vân ký với Công ty TNHH Tân Hạnh, ghi rõ trong vòng 12 tháng kể từ ngày người mua thanh toán đủ 95% giá chuyển nhượng bất động sản thì sẽ được trao giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, gia đình ông Vân và nhiều người mua đất khác đã thanh toán hết 95% giá trị chuyển nhượng từ năm 2017, 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy CNQSDĐ như cam kết của bên bán. Từ mấy năm nay, ông Vân làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng TP Biên Hòa nhưng chưa có kết quả.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan toàn bộ dự án A1-C1, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, từng thông tin dự án được chia làm 2 giai đoạn. Với giai đoạn 1, đã thực hiện các thủ tục trình cấp giấy CNQSDĐ làm 3 đợt, đã cấp hơn 1.600 giấy chứng nhận. Hiện còn lại diện tích khoảng 195.000 m2 thuộc giai đoạn 2 thì đang đầu tư hạ tầng, đồng thời làm thủ tục cấp giấy. Sau khi nhà đầu tư làm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật quy định, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương thẩm tra, chấp thuận mới thực hiện các thủ tục chuyển nhượng giấy CNQSDĐ từ tổ chức sang cho hộ gia đình cá nhân theo quy định. Như vậy, dù một số người dân đã thanh toán tiền từ năm 2017 nhưng sẽ tiếp tục phải chờ chủ đầu tư thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc giấy CNQSDĐ vẫn còn xa!

Còn đối với dự án Biên Hòa Riverside, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tháng 1-2017, dự án này được UBND tỉnh duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 gồm khu nhà ở liên kế và khu biệt thự với quy mô dân số 819 người. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện xây dựng nhà theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt mà để các hộ dân đã mua tự xây dựng khi chưa được cấp giấy CNQSDĐ, chưa cấp phép xây dựng. Do đó, sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng phối hợp với TP Biên Hòa xử lý việc xây dựng nhà tại khu đất trên và đề xuất xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có). Riêng về việc người dân đề nghị cấp giấy CNQSDĐ, phía Sở Tài nguyên và Môi trường xác định chưa thể thực hiện được, vì chủ đầu tư dự án... chưa hoàn thành các thủ tục để cấp giấy và chưa thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy.

Với các dự án ở tỉnh BR-VT, Công an tỉnh BR-VT cũng đã phát đi thông báo tìm những cá nhân, tổ chức đã ký hợp đồng mua căn hộ từ tầng 21 đến tầng 26 của dự án căn hộ Sơn Thịnh 3. Đối với dự án của Công ty Khang Linh, theo văn bản phúc đáp của Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, hiện Công ty Khang Linh đang gặp một số vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, nghĩa vụ tài chính... và đang được các cơ quan nhà nước rà soát, báo cáo UBND tỉnh. "Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục nêu trên, đồng thời chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy CNQSDĐ và quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật" - văn bản phúc đáp của Sở Xây dựng tỉnh BR-VT nêu rõ.

Gian nan xử lý nạn phân lô bán nền trái phép

Một thời gian dài, tại tỉnh Đồng Nai tràn lan nạn phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Gần đây, tình trạng này đã giảm sau nhiều đợt siết chặt, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Điển hình, thời gian gần đây chúng tôi nhận được phản ánh và ghi nhận thực tế tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. Theo đó, tại khu đất khoảng 3 ha thuộc các thửa đất 785, 781, 789, 790, 779, 783, 788, 791, 780, 784, 792, 793,786 tờ bản đồ số 4, đất trồng cây lâu năm có dấu hiệu làm đường trái phép và phân lô bán nền, rao bán với diện tích 100 m2 có giá từ 200-300 triệu đồng.

Từ phản ánh trên, UBND xã Sông Thao xác định chủ khu đất trên tự ý mở nhiều đường đất rộng khoảng 5 m từ bên ngoài vào giáp ranh các thửa đất mà chưa có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND xã Sông Thao sau đó đã có văn bản gửi UBND huyện Trảng Bom đề nghị ngăn chặn giao dịch và sẽ mời chủ sử dụng đất đến làm việc, xử phạt hành chính, buộc khắc phục hiện trạng.