Trong số 3 cây cầu kể trên, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đang đạt tiến độ khá tốt có thể được xem là "cú hích" lớn cho toàn bộ thị trường BĐS khu Đông. Cầu có tổng chiều dài gần 1.500m trong đó phần cầu dài gần 900m. Cầu được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng. Đây là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 có 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m. Trong đó phần cầu dài 850m, được thiết kế cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m, mặt cầu chính rộng 27,8m. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao), dự kiến xây dựng trong 30 tháng.
Ban quản lý dự án cầu Thủ Thiêm 2 cho biết tính đến thời điểm hiện tại, việc thi công 20/56 sợi cáp dây văng đã hoàn thành, các đơn vị đang dồn toàn lực để tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án, hợp long cầu chính vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.
Cùng với cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy (quận 2) cũng đã được đầu tư và thông xe giai đoạn 1 nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông vào các khu dân cư, cảng biển Cát Lái. Các chuyên gia trong ngành cũng khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm của UBND TPHCM giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên trên các trục đường ra vào cảng Tân Cảng - Cát Lái. Dự án kỳ vọng sẽ xóa bỏ dứt điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn, giúp việc giao thương hàng hóa giữa khu vực TPHCM với các vùng lân cận thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, hạng mục quan trọng là cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2) dài 124m cho 6 làn xe sẽ được triển khai trong quý 3/2020. Theo đó, sẽ xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725m cho 2 làn xe lưu thông và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75m cho 4 làn xe lưu thông.
Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2 dự kiến triển khai cuối tháng 12/2020. Theo lộ trình sẽ xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 trước, các hạng mục còn lại được thi công tùy thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở quận 2. Tổng mức đầu tư xây dựng 1.435 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỷ đồng.
Vị trí xây cầu Cát Lái.
Cách hầm chui Mỹ Thuỷ khoảng 3km, một dự án quy mô khá lớn với vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng cũng chuẩn bị được khởi công xây dựng là cầu Cát Lái. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM. Đồng Nai sẽ thực hiện dự án này trên cơ sở thống nhất giữa UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TPHCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Với quyết định trên, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM trong suốt quá trình triển khai dự án. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 4/5 về việc đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái, Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành đăng tin sơ bộ dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái và thông báo thời gian nộp hồ sơ đề xuất lập dự án. Theo đó, thời hạn nộp hồ sơ dự thầu dự án kể từ ngày 16/6/2020 đến ngày 25/6/2020.
Theo ý kiến thống nhất giữa Sở kế hoạch và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai tại cuộc họp ngày 15/5, dự án đầu tư được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra 2 phương án vị trí để tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng TPHCM về việc xây dựng cầu Cát Lái. Trong cả 2 phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (tương ứng rộng 27m) và 8 làn xe (tương ứng rộng 35m).
Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, TPHCM, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, TPHCM sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
"3 cây cầu này khi hoàn thành sẽ tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành phía Đông trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép - Thị Vải… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như "hổ mọc thêm cánh". Cộng với việc chính quyền địa phương luôn sát cánh tháo gỡ nhanh những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư nên doanh nghiệp có thêm điều kiện triển khai nhanh dự án đưa sản phẩm ra thị trường", ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết thêm.
Theo phân tích các chuyên gia bất động sản, không chỉ năm 2020, mà trong nhiều năm tới, khu Đông sẽ trở thành khu vực dẫn dắt thị trường. Đây là khu vực được đánh giá là hướng mở nhất trong chiến lược phát triển đô thị của TPHCM. Báo cáo tiêu điểm quý 2/2020 của CBRE Việt Nam cũng nhấn mạnh thời gian gần đây, bất động sản khu vực phía Đông của TPHCM luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư và giá không ngừng tăng.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, mặt bằng giá trung bình trong quý sau tăng cao so với quý trước, nhiều dự án còn ghi nhận mức tăng 5 - 7%. Vào cuối năm 2019, giá đất khu Đông đã tăng 150 - 200% so với năm 2017. Song song đó, ngay sau khi có thông tin TPHCM và Đồng Nai đã thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch, nhiều dự án nhà ở cũng lập tức thiết lập một mặt bằng giá mới.
Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông đều được "săn" liên tục. "Nóng" nhất hiện nay phải kể đến khu vực dọc tuyến đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống (quận 2) vì khách hàng tin tưởng vào hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian gần.
Theo đó, những khu đô thị, khu dân cư hiện hữu đang giao dịch thứ cấp hoặc tiếp tục ra mắt giai đoạn sau đều có mức giá được điều chỉnh tăng liên tục nhưng ghi nhận khả năng hấp thụ khá tốt. Đơn cử như PhoDong Village, khu đô thị được xem là kiểu mẫu đầu tiên ở Cát Lái, dự án đã có một cộng đồng cư dân về sinh sống từ lâu với nhiều hoạt động giao lưu, gắn kết.
Nhờ lợi thế vị trí, tiện ích và mật độ xây dựng thấp chỉ 24,09%, các đợt ra mắt sản phẩm của PhoDong Village đều được đón nhận tốt, giao dịch thành công 70 - 80% giỏ hàng. Hiện tại, chủ đầu tư SCC và đơn vị phân phối DKRA Vietnam đang tiếp tục giới thiệu nhà phố thương mại, biệt thự phố vườn tại PhoDong Village với mức giá từ 8,6 tỷ đồng/căn, thời gian thanh toán kéo dài 16 tháng.
Theo nhiều khách hàng, tiềm năng sinh lời của thị trường vệ tinh TPHCM, mà điển hình nhất hiện nay thuộc về khu Đông - nơi TPHCM đang hoạch định sẽ trở thành khu đô thị thông minh trong tương lai - khá rõ rệt khi chủ trương thực hiện chính sách "giãn dân" cùng chiến lược phát triển đô thị vệ tinh ra vùng lân cận. Thị trường khu Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức) ngoài lợi thế hạ tầng giao thông kết nối khá đồng bộ, dư địa tăng giá lớn, thì tỷ suất sinh lời cũng được đánh giá tốt nhờ được phát triển mạnh mẽ, đa dạng sản phẩm nhà ở.
Một nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết: "Việc đầu tư bất động sản không chỉ xem xét về vị trí hay khả năng sinh lời, mà còn ở tính thanh khoản của dự án. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, xu hướng sống xanh đang trở thành nhu cầu tất yếu của người dân thành thị. Vì vậy, các dự án được quy hoạch dọc theo những hạ tầng giao thông kết nối tốt tất nhiên cũng sẽ có mức giá chào bán cao hơn trong thời gian tới".