Sáng 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết trong năm 2022-2023 cùng với việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 15-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, đóng góp để làm rõ yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là các đặc thù về văn hoá, lịch sử, về địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.
Thông qua việc đánh giá bức tranh hiện trạng, thực trạng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là so sánh với các thủ đô, thành phố trên thế giới; xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của thủ đô trong giai đoạn trước. Đồng thời, với chuyên môn cùng với kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia quốc tế, trải nghiệm nhiều thủ đô, thành phố trên thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học có thể gợi ý các ví dụ điển hình của các nơi trên thế giới mà Hà Nội có thể học hỏi để đạt được mục tiêu như trong Nghị quyết 15 của Bộ chính trị.
Góp ý cho định hướng quy hoạch Thủ đô, TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Đỗ Xuân Trọng - Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội - đề xuất Hà Nội nên có cơ chế, chính sách đặc thù với quan điểm, định hướng “đô thị xanh”, “đô thị hiện đại”; “đô thị tiện ích”.
Cụ thể, nhóm tác giả đề xuất ý tưởng theo hướng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại. Điều này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân tại Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng và mở rộng được hệ thống hạ tầng cây xanh, công viên, quảng trường...; nâng cấp được hệ thống công trình công cộng. Tuy nhiên, cũng lưu ý định hướng này sẽ không áp dụng cho khu vực xác định là khu vực nội đô lịch sử với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử như: Nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa.
Để làm được điều này, trong quy hoạch sử dụng đất, cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở theo hướng mở rộng các dự án khu đô thị hiện đại.
Về phương hướng phát triển hệ thống nông thôn, nên phân vùng thành khu vực nội thành và khu vực ngoại thành cùng với tư duy quy hoạch vùng lõi và khu vực lân cận đối với cả nội thành và ngoại thành. Vùng lõi sẽ đảm bảo tính “văn hiến - văn minh - hiện đại”; vùng lân cận sẽ đảm bảo tính “hiện đại - văn minh - văn hiến”.
Cũng liên quan đến phát triển mô hình nông nghiệp trong thành phố, nhóm chuyên gia từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Với việc quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cần tích hợp, lồng ghép hoạt động nông nghiệp vào từng không gian ô phố, không gian công trình hay không gian cộng đồng bằng các mô hình vườn nông nghiệp đô thị dạng thủy canh, hữu cơ và kết hợp truyền thống, dạng tòa nhà, trang trại, nông trại, công viên... đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhóm chuyên gia đề cập tới mô hình không gian cao tầng chuyên canh, đây là những tòa nhà được tổ chức như một trang trại trong đô thị, nông nghiệp đô thị thẳng đứng sử dụng công nghệ xây dựng hiện đại kết hợp công nghệ nông nghiệp tiên tiến tổ chức không gian sản xuất theo kiểu xếp lớp, chồng lên nhau, khai thác hiệu quả hệ số sử dụng đất, tránh khỏi các điều kiện thời tiết bất lợi, được quản lý sâu bệnh, kết hợp với các hệ thống nước tái chế...